147. Sự chân thật là cánh cửa giải thoát

07 Tháng Mười 200712:00 SA(Xem: 82006)
147. Sự chân thật là cánh cửa giải thoát

1-4-2003 - 10:00 sáng

Làm thế nào để chận đứng ảo tưởng và tưởng tượng?

Phải chăng cái muốn là đầu mối, là chủng tử của ảo tưởng và tưởng tượng?

Ảo tưởng, tưởng tượng tạo nên cái sợ. Vậy cái sợ là do cái muốn và không muốn tạo ra...

Nếu đè nén cái muốn thì nó có thể tạo tác thành những lời nói và hành động khác với cái mà mình muốn, vậy càng đè nén thì càng tạo nên xáo trộn và sai lầm, cũng như vòi nước đang chảy, ta bịt nó thì nó xì ra nơi khác và sau cùng sẽ hư luôn ống nước.

Nếu nói như thế thì phải để cái muốn phát triển một cách tự nhiên và không kềm chế, như vòi nước sẽ chảy bình thường không xịt mạnh hơn ở các lỗ hổng khác. Ta sẽ để nước chảy bình thường và dời ống nước đến những nơi có nhu cầu và sử dụng nó đúng chỗ. Như tưới cây nào cần nước, như dùng nước nấu ăn, tắm rửa hay uống.

Vậy thì cái muốn không phải là cái xấu. Ta chỉ chận nó khi ta phán đoán, lên án, ta nhìn cái muốn đó như là một việc cần diệt bỏ. Nước đến ly đầy sẽ tràn, đến sông đầy sẽ lụt lội, vân vân... Cái muốn tự nó không xấu, vì  nguồn khởi của nó tự nhiên như nước. Ta mới chính là người tạo  cái muốn đó thành xấu hay tốt vì không biết sử dụng theo nhu cầu và hoàn cảnh.

Cái muốn và nước đều là nhu cầu của sự sống, miễn là ta sử dụng chúng ĐÚNG.

Làm sao để biết sử dụng đúng cái muốn?

Nguồn gốc của sự sống đều do cái Muốn mà ra. Ta muốn ăn, muốn thở, muốn nhìn, muốn ngửi. Ta dùng lục giác để thực hiện cái muốn đó và ta học hỏi để vượt cái muốn đó hầu chứng ngộ đạt giải thoát khỏi sự điều động của cái muốn để đạt trình độ Muốn mà Không Muốn. Đó là trình độ Không Tánh.

Ta vẫn có lục giác, vẫn có cái muốn nhưng ta không bị lục giác lẫn cái muốn hoành hành điều khiển ta.

Ở trình độ Muốn mà Không Muốn, tâm ta sẽ được bình an vì ta quán cái muốn để cho phép nó hành xử tùy trường hợp qua lục giác.

Ta phải ở trình độ Muốn mà Không Muốn, Biết mà Không Biết thì mới bước qua trạng thái Quán Thông.

Quán là quán chiếu, và Thông là thông suốt. Thông suốt thân tâm một cách cặn kẽ với sự tự nhiên, không phê phán (judgment), không nghĩ xấu tốt.

Khi quán thông, ta sống trong cái muốn một cách bình an, tự tại vì ta biết cái muốn không làm hại được ta. Cái muốn chỉ làm hại ta khi ta không tự chủ, yếu đuối, để nó sai khiến.

Ở trình độ quán thông ta sẽ mỉm cười với cái muốn, với lục căn lục trần, và ta thương ta, ta thương người hơn để không còn nhân ngã, cao thấp, sang hèn, xấu tốt. Lúc đó ta mới có thể thương được người đã ghét và hại ta. Ta thương cho họ đã để cái muốn của họ hoành hành và đã để cái muốn điều khiển họ.

Vậy phải chăng cái muốn có tính chất ích kỷ, cá nhân? Mọi hành động của con người đều bị sự vị kỷ, cá nhân điều khiển, có khi suốt cả cuộc đời nếu họ không biết dừng chân để quán chiếu, quán sát chính THÂN, TÂM họ.

Thân và Tâm là hai mặt đồng tiền. Thiếu bên nào cũng không thể là một đồng tiền. Như vậy, muốn tu học cho có kết quả, phải tu tâm và tu thân. Chỉ tu một mặt thì không bao giờ có kết quả, như hơi thở phải cần có mũi, và nếu chỉ có cái mũi  không thì con người chết, nhưng không có mũi thì ta thở không được và cũng tắt thở mà chết.

Thân và tâm liên kết chặt chẽ với nhau. Ta phải quan sát cả hai. Có nhiều trường hợp tâm điều khiển thân và ngược lại. Nếu yếu đuối thì cả hai cùng yếu, và nếu mạnh mẽ thì cả hai cùng mạnh. Vì vậy một người đang mạnh chỉ vì thất vọng thì đau bệnh tiều tụy.

Muốn cho thân tâm hòa hợp, ta phải chân thật với chính mình. Có chân thật ta mới biết rõ tất cả nguyên nhân của TÂM hoặc là THÂN. Nếu không thì nghĩ một đàng làm một nẻo, và nghĩ một nẻo làm một đàng.

Thân tâm an lạc là lúc thân và tâm hòa điệu. Sự nghĩ và sự làm không tréo nhau. Nghĩ sao thì làm vậy.

Không phải lúc nào cũng thân tâm an lạc THẬT. Có nhiều lúc con người tự dối mình và cứ tưởng an lạc thật, nếu tự mình không thành thật với chính bản thân mình.

Nếu không chân thật, ta cứ tu học mãi mà sao cứ đi quanh hoài ở một vòng tròn không lối thoát. Chỉ có sự chân thật mới là cánh cửa để giải thoát ta trong kiếp người ngay tại thế gian này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880