86. Con người toàn vẹn

04 Tháng Mười 200712:00 SA(Xem: 77762)
86. Con người toàn vẹn
27-2-1992

Con người toàn vẹn không có nghĩa là một con người kiểu mẫu do Khổng, Lão hay mọi giáo điều của tôn giáo hay văn hóa tạo ra.

Toàn vẹn đây có nghĩa là con người của chính Ta và Ta phải biết con người đó. Khi con người đó thất vọng, vui, buồn, thương, ghét thì ta biết lý do của mọi nguồn khởi đó.

Tu không phải biến mình thành một người mẫu mà phải học để biết mình.

Con người mẫu không thể áp dụng được cho mọi môi trường mà chỉ áp dụng được ở một môi trường mà thôi. Người mẫu của Đạo Khổng khác với Đạo Lão. Người mẫu của Đạo này khác với Đạo kia và người mẫu của xã hội Mỹ khác với xã hội Việt Nam hay Phi Châu, vân vân.

Con người của mỗi xã hội, mỗi tôn giáo và văn hóa phải biết rõ mình, nhận chân được mình, rồi từ đó mới có thể điều chỉnh mình cho đúng với môi trường mà mình được chọn hay tự chọn để sống hay phục vụ.

Người của mọi giới phải là người vượt thành kiến cá nhân, xã hội, chủ nghĩa, giáo điều để hiểu và phục vụ tha nhân ở mọi môi trường không phân biệt tôn giáo, màu da, sắc tộc hay lãnh thổ quốc gia. Phải vượt mọi định kiến và thành kiến để không trói người và trói mình theo khuôn khổ nhất định. Muốn giúp người phải hiểu người và biết người cần gì, để hiểu rõ tại sao họ có nhu cầu đó. Có như thế việc ta làm mới đáp ứng được sự cần thiết, khao khát của tha nhân.

Nhu cầu thể xác và tâm linh con người thay đổi, biến chuyển theo môi sinh. Ta cũng phải hiểu những chuyển hướng của con người theo môi sinh đó để trợ giúp và yêu thương họ. Con người là một sinh vật khó hiểu nhất, phức tạp nhất và dễ thay đổi nhất trong mọi sinh vật. Sự biến chuyển của con người rất khó đo lường. Một người hiền lành có thể trở thành một kẻ giết người không gớm tay và một kẻ độc ác có thể trở thành người hiền lành đạo đức nhất. Tất cả đều do sự tích lũy tiềm tàng trong con người qua nhiều tiền kiếp mà trong giây phút nào đó, cá tính thật sự bị đánh thức và quật khởi trở lại mà trí óc của họ không làm chủ được.

Một người tu tâm, thiền quán không phải để trở thành một người mẫu hiền hòa, mà là để biết được nguồn cội căn nguyên đột biến của mình. Biết mình để sống với "Cái Ta Hiện Hữu Thật Sự" chớ không phải biết mình để sống với "Cái Ta Người Mẫu Giả Tạo." Vì nếu sống như người mẫu là sống cho người, để được người khen và kính phục chứ không phải sống cho chính mình.

Sống với "Cái Ta Thật Sự" ta mới biết được cái tuyệt vời của đời sống. Ta sẽ thưởng thức thật sự cái mà ta muốn thưởng thức. Ta không đè nén những gì muốn bộc lộ, không che đậy tánh hư tật xấu, trái lại hãy tự nhiên biểu lộ những bản tánh ấy một cách thoải mái chí tình.

Bấy giờ, ta mới nhận chân được hạnh phúc, dù nhỏ nhoi trong mỗi tíc tắc của đời sống.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880