30-4-2002 - 6:30 sáng
Làm thế nào để phân biệt được bài học để thử thách trên con đường tu tập hành đạo và thế nào là nhân quả?
Bài học luôn luôn là bài học mới và càng lúc càng vi tế, khó khăn hơn, mà người hành đạo có quyền chọn lựa bước đến hay thụt lùi.
Nhân quả là việc phải gánh chịu từ những việc làm đã qua kết tập lại. Nhân quả là hậu quả, hoàn cảnh có thể tốt hoặc xấu, vừa ý hay không vừa ý mà ta phải nhận vì đó là do ta tạo ra cho chính ta.
Bài học đạo, bài học thử thách đến luôn luôn một cách bất chợt mà ta nhận hay không đều đưa đến sự học hỏi để khai mở tâm linh, tìm hiểu học hỏi thêm về chính mình do sự suy nghiệm quán chiếu nội tâm soi rọi về nhiều khía cạnh của bản chất người của mình mà mình chưa hề biết đến.
Nhân quả có thể đến một lần tùy theo hành động của mình tạo nên và cũng có thể tạo thành một chuỗi nhân quả tùy theo hành động việc làm của mình đối với nhân quả đó.
Bài học đạo thì liên tục miên man theo bước chân của người hành đạo. Con đường hành đạo có nhiều hoa thơm cỏ lạ nhưng cũng có nhiều chông gai nguy hiểm. Tuy nhiên nếu không sáng suốt ở mỗi bài học ta sẽ có thể nhìn lầm gai nhọn là bông hoa và ngược lại.
Bài học mà ta tưởng là dễ lại chính là bài học chứa đựng đầy khó khăn, đau khổ để bật ra lý đạo và nhiều bài học mà ta cho là khó khăn lại chính là bài học dễ, mà vì lòng sợ hãi ta đã lùi chân rụt bước hoặc dậm chân tại chỗ hay muốn quay đầu trở lại chốn khởi hành.
Muốn học đạo và tiến bộ trên con đường đạo ta phải dũng cảm và tin ở chính mình. Mỗi bài học có một hữu lợi riêng, khó khăn riêng nhưng chỉ chung một mục đích là khai mở trí tuệ của người hành đạo.
Con đường đạo không có gì khác hơn là con đường tìm hiểu về chính mình vì mình là một bộ phận của đại thể. Ta hiểu ta là ta hiểu được đại thể và khai mở cái đại thể đó. Khi ta quán thông cái ta thì ta sẽ quán thông đại thể.
Ta không thể nào đi trong cái đại thể đó mà thiếu cái bản đồ chi tiết về chính ta, một bộ máy biết nói tiếng Người. Nếu không cầm bản đồ với những chi tiết về con người của ta thì ta vẫn như người mù đi đêm. Ta đi mãi cả cuộc đời trần gian thì cũng chỉ uổng một kiếp người. Ta chỉ ăn uống hô hấp cho đến ngày tàn của cuộc đời mà không làm được điều gì hữu lợi cho đại thể, cho sự xây dựng cho các thế hệ tương lai của đất nước, của loài người.