110. Truyền đạo, dạy đạo và lập đạo

06 Tháng Mười 200712:00 SA(Xem: 80407)
110. Truyền đạo, dạy đạo và lập đạo

22-10-1993 - 4:30 sáng

* Truyền là truyền đạt, Đạo là con đường. TRUYỀN ĐẠO là đưa, chỉ cho người khác một con đường mà mình cho là đúng, là chân lý.

Truyền đạo không có mục đích cá nhân, chỉ đem sự hiểu biết, sự nhìn thấy của mình chia sẻ cho người khác.

* DẠY ĐẠO là chỉ dẫn, truyền đạt với một mục đích mạnh mẽ là chỉ dạy cho người đó con đường mà mình lựa chọn, và muốn người đó phải hiểu những gì mình hiểu, biết những gì mình biết theo sự hiểu biết của mình và mình cho những gì thấy biết của mình là đúng.

Truyền Đạo có tính cách phổ quát, cho người khác sự lựa chọn hơn là Dạy Đạo có tính cách bắt buộc, có tính cách giáo điều, giới luật, kềm chế, tẩy não, bắt buộc người nghe phải chấp nhận mình và cho rằng mình biết hơn người nghe người học.

Dạy Đạo có tính cách kẻ trên người dưới, kẻ thấp người cao, có sự cách biệt giữa người nói người nghe. Người nói có quyền nói và buộc người nghe phải nghe theo ý mình. Có một sự ràng buộc về tư tưởng hơn là truyền đạo. Trường hợp truyền Đạo, người nghe có sự tự do nhận hay không nhận, theo hay không theo hoặc bất đồng ý kiến hay phê phán, không có sự ràng buộc từ hình thức đến tinh thần.

* LẬP ĐẠO là đem sự hiểu biết của mình tạo nên một con đường và lôi kéo mọi người theo con đường đó với mục đích riêng của mình.

Mục đích đó nằm ẩn dưới nhiều dạng thức như: đem lại sự an lạc hạnh phúc cho người, đem lại hòa bình cho thế giới, đưa con người đến Niết bàn, vân vân... Nhưng dù nằm ở dạng thức nào, người lập đạo cũng có mục đích tạo uy thế cho chính mình, cho sự tôn vinh mình, tạo sức mạnh, có khi là uy tín, hay tiền của. Dù cho mục đích nào cũng chỉ nhằm phục vụ cá nhân.

Làm sao nhận diện được người lập đạo?

Người truyền đạo chỉ cho người khác sự hiểu biết con đường đi mà mình thấy đúng, nhưng không buộc họ vào một hình thức nào gò bó, mà để họ tự do theo đuổi con đường mình chỉ dẫn.

Người lập đạo dạy đạo cho người khác và hướng họ vào khuôn mẫu do mình lập ra để cho họ hành động, tu tập rập  khuôn theo mình.

Tu tập là tự sửa đổi để đi đến sự tự do, đi đến giải thoát, chứ không phải tu tập để bước vào sự gò bó, giáo điều. Vì bước vào khuôn khổ giáo điều là ta mở cửa căn phòng này để tự nhốt mình vào căn phòng khác mà ta tưởng rằng mình được tự do.

Tu tập để giải thoát là học hỏi để sửa đổi và chọn con đường tự do cho chính mình vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880