43. Ý chí tự nguyện

03 Tháng Mười 200712:00 SA(Xem: 80082)
43. Ý chí tự nguyện

8-1990

Làm thế nào để hành động, lời nói, ý tưởng của người khác không sai khiến, không xoay chuyển ta theo ý muốn của họ?

Khi chặt đứt được phán đoán và ảnh hưởng của ngoại tâm, tâm ta sẽ tịnh, chặt đứt mọi quá khứ vị lai. Trống không trong hiện tại để một hạt cát, một sợi tơ, một cơn gió thoảng ta cũng cảm nhận được. Một thoáng giao động, một luồng tư tưởng, một giây giao cảm của tha nhân và ta, ta sẽ bắt kịp.

Đời sống từ đó sẽ thay đổi, sự thay đổi tuyệt diệu. Sự sống trở nên linh thiêng trong mỗi hơi thở, mỗi bước đi. Đó là ta sống mà không sống, ta đã thoát mà không thoát. Một tâm tư, một cơ thể tự tại. Một sự lột xác, cải sửa toàn diện của một con người. Một sự dấn thân thật sự để đi đến sự toàn thiện toàn mỹ. Đó là bến bờ Chánh Giác.

Sự giác ngộ xa ngàn dặm mà cũng gần trong gang tấc. Nó có thể được xem như sự xa hoa phù phiếm mà cũng có thể được xem như sự giản dị trong cuộc sống. Nó khó mà dễ, dễ mà khó đạt được.  Sự hạnh phúc nội tâm, sự trống không của nội tâm hay sự tịnh tâm thật dễ nếu ta chịu bước vào cuộc hành trình tranh đấu với một ý chí cực mạnh. Ý chí đó phải vật ngã được những sự dằng co xâu xé của tham sân si mà khởi điểm là cái tôi cao ngạo, cái tôi bất trị. Cái tôi như tảng đá, như khối sắt mà ý chí phải là chiếc búa nặng ngàn cân hay ngọn lửa cực mạnh để đập tan tảng đá hay đốt tan khối sắt.

Ý chí muốn mạnh phải là một Ý Chí Tự Nguyện. Ý chí đó phải được nuôi dưỡng kiên trì qua bao lần thất bại nó vẫn hùng dũng đứng lên làm lại tất cả dù
cho phải trở lại ngay từ đầu. Ý chí đó luôn phải được thắp sáng dù có bao lần gục ngã trước cái tôi to lớn, cứng đầu. Do đó cái khởi điểm của ý chí phải có sự tự nguyện mà không phải là sự vay mượn của sách vở, của các tư tưởng gia hay của tôn giáo hoặc văn hóa.

Nếu ý chí là sự vay mượn thì nó chỉ là sự ngụy tạo của chữ tham. Còn ý chí tự nguyện thì phát nguồn từ tình thương, từ sự cởi bỏ, từ sự dấn thân phục vụ. Từ có đến không chứ không phải từ cái có này đến cái có khác được ngụy tạo bằng chữ không. Chữ Không ngụy tạo này, hay cái Có giả này có mục đích, chủ đích. Nó làm nền tảng cho sự u minh, khiến cho con người cứ mãi ngụp lặn trong bể khổ, nghiệp quả qua bao tiền kiếp, lẫn kiếp này và những kiếp tương lai.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880