17-11-1998
Như thế nào là mất tất cả và có tất cả?
Như thế nào là bình an tự tại, an định, nhập định?
Như thế nào là không ước mơ cho tương lai, không muốn nổi tiếng, không muốn viết sách, viết báo?
Có phải ta đang ở thể buông bỏ không còn níu, bắt, nắm giữ, tức không còn chiếm hữu vì không thấy cái gì của ta và không có cái gì của người.
Có phải ta đang ở trạng thái trống không, mất đi khái niệm của sự chiếm hữu: không ghen tương, không muốn nhận, có, hay cảm thấy mất mát, tổn thương.
Ta không còn muốn níu kéo cả thời gian lẫn không gian. Một cái gì không vui, không buồn, không hờn giận. Ta là ta mà đồng thời ta cũng không là ta. Ta đã tan biến vào vũ trụ. Ta mất mà vẫn còn.
Ăn mặn, ăn chay, tạo nghiệp, trả nghiệp, phải chăng chính là khái niệm của sự sợ hãi, sự run sợ trước cái "không biết."
Tất cả nghiệp quả mà con người phải đối phó chính là sự vô minh. Còn sống trong vô minh là còn sống trong sự sợ hãi. Sự sợ hãi chỉ có khi cái tôi hiện diện. Cái tôi mất thì sự sợ hãi mất.
Sự sợ hãi và cái tôi là bóng tối. Sự giác ngộ là ánh đại linh quang.
Sự giác ngộ là ánh đại linh quang đốt cháy tan tất cả nghiệp quả của hàng triệu triệu tỉ kiếp.
Sự giác ngộ cho ta thấy Có là Không. Ta hiện diện và đồng thời không hiện diện vì hữu và vô là một. Đó là sự nhất nguyên bất diệt, bất tử, bất phân, bất nhị.
Trạng thái vô luận không có sự hiện diện của trí đời mà chỉ có trí tuệ chói lòa. Trí tuệ siêu việt, bất biến. Bất sanh, bất diệt, vô ngã, vô tri, vô giác, vô ảnh lẫn vô hình, vô ngôn. Tất cả chỉ là sự trống không.
Từ sự Trống Không đó ta có tất cả và từ đó phát sanh sự dậy khởi của Sáng Tạo. Sự sáng tạo phát từ mọi thời điểm nhưng không dính chặt vào các thời điểm. Sự sáng tạo được phát minh và sanh ra theo mọi thời điểm để có thể phù hợp với con người và vạn vật của thời điểm đó, nhưng đồng thời không chết theo thời điểm đó vì nó không thuộc sở hữu của thời điểm đó.
Sự Sáng Tạo phù hợp với thời gian và không gian nhưng không lệ thuộc bởi thời gian và không gian đó. Đó mới chính là sự Sáng Tạo Thật không bị ảnh hưởng lẫn bắt chước mà bắt nguồn từ suối nguồn bất tận của luật thiên nhiên.
Ta bước vào sự trống không và hòa mình vào sự trống không là ta bước vào luật thiên nhiên của trời đất để học hỏi suối nguồn của sự bất lai bất biến để học hỏi và mang sự mới mẻ sáng tạo ngỏ hầu phục vụ con người bước đến thời Thượng Ngươn Thánh Đức.
Thời Thượng Ngươn Thánh Đức là thời con người bước vào giai đoạn tri giác, tiến hóa, giác ngộ để sống trong tình thương đại đồng, xa rời sự tàn ác muốn tiêu diệt lẫn nhau do lòng dị biệt, vị kỷ, thành kiến, tranh đua để chiếm hữu.
Con người phải bước đến giai đoạn giác ngộ toàn năng, toàn giác để biết mình là ai và cùng biết tất cả chỉ là một thể để nhận Từ điển, Tình thương của Thượng đế.