14-6-1989
Làm sao để tâm lúc nào cũng bình tịnh trong mọi trường hợp và không tỏ cho mọi người thấy sự hiểu biết của mình?
Làm sao để cho mình lu mờ, chìm khuất trong đám đông? Lúc nào cũng lặng lẽ, dịu dàng, thầm lặng?
Tâm bình tịnh được thì trí tuệ.
Khi đứng trước mọi việc thì trí óc đừng làm việc, đừng suy nghĩ, lý luận, nhận xét. Cứ giữ một chữ không thì cái biết tự nó sẽ đến. Cái biết đến có thể không liên hệ đến mọi sự việc xảy ra trước mắt mà nó là gốc rễ của mọi việc mà nếu dùng phàm tánh sẽ không thấy được.
Cái thấy thật sự đó mới giúp ta.
Đó là ánh sáng để hướng dẫn ta trong mỗi giây phút. Nếu tâm không bình tịnh thì trí sẽ nhảy ra sự phán xét, và sự phán xét đó sẽ đưa ta đến sai lầm.
Chỉ có sự bình tịnh, không tánh mới giữ ánh sáng và đốt ánh sáng đó luôn luôn trong ta. Sự chớp tắt càng ít thì cuộc đời ta bớt sai lầm. Phải thức tỉnh luôn luôn, và muốn thức tỉnh thắp sáng luôn luôn thì phải quên mình luôn luôn - quên cái BIẾT luôn luôn. Thả lỏng cái biết đi, buông bỏ nó đi để trở về chân như, trở về với ánh sáng với nguồn cội.
Tâm bình tịnh được thì trí tuệ thật khó lắm chăng? Ai cũng muốn đến đó, cũng nghĩ rằng mình đã đến mà mấy ai thật sự đến. Có bao nấc thang để đi đến sự bình tịnh đó. Mỗi mức đến đều có một cánh cửa mới mở ra. Ta đi mãi, mở mãi sao vẫn còn muôn ngàn cánh cửa. Mỗi cánh cửa mở ra đưa ta đến gần với ánh sáng hơn, hấp thụ thêm nhiều ánh sáng hơn, thấy nhiều ánh sáng hơn, sống nhiều trong ánh sáng hơn. Càng đến gần ánh sáng nhiều, ta càng gần đến ta nhiều hơn, ta thấy ta nhiều hơn, ta âm thầm cô độc nhiều hơn. Càng âm thầm cô độc càng thanh tịnh, an lạc chứ không phải khổ đau. Cái Yên, cái Tĩnh, dũng mãnh, sáng suốt, cứng rắn như sơn thạch không ai phá vỡ được.
Cái dũng mãnh đó chỉ có ở những người thật tâm tu thật tâm cởi bỏ (khóc và xúc động thật nhiều).