69. Pháp thân là trí tuệ bát nhã

04 Tháng Mười 200712:00 SA(Xem: 81612)
69. Pháp thân là trí tuệ bát nhã

5-6-1991

Pháp thân có cần học hỏi không?

Nếu đã biết quá khứ, vị lai tại sao phải học hỏi?

Biết vị lai và biết hành xử để thực hiện những sự việc xảy ra trong tương lai là hai điều khác biệt. Vì thế nên phải học hỏi qua xác thân và phàm tánh để biết con người vì con người bản chất, tâm tánh, xác thân thay đổi luôn luôn theo đà tiến hóa của nhân loại.

Người thời nay khác người thời xưa và khác người trong những năm tới.

Pháp thân phải học hỏi luôn luôn để tiến hóa mà không thể không gián tiếp học qua xác phàm.

Khi đã có PHÁP THÂN tức ở trình độ THÂN NGOẠI THÂN. Pháp thân cần học gì sẽ có hoàn cảnh đó để học. Mọi cảnh ngộ đều sẽ xoay chiều theo nhu cầu học hỏi tiến hóa xoay chuyển của Pháp Thân. Pháp thân muốn học gì sẽ được nấy. Mọi việc và mọi người chung quanh sẽ được sắp xếp thuận chiều hay nghịch chiều, yên lặng hay náo động, xáo trộn để Pháp thân có cơ hội học hỏi.

Bàn cờ, nước cờ đều đã định, chỉ cần người đánh cờ vận dụng trí tuệ minh mẫn, ý chí mạnh mẽ, kiên nhẫn để đạt được nước cờ.

Ván cờ không thể tự xoay chuyển được mà phải có người đi. Phải có thấp có cao, có tiến có lùi, có thua có thắng thì mới đưa đến mức được.

Dù cho ván cờ tương lai đã được an bài người đánh cờ phải luôn sáng suốt, vận dụng trí tuệ, luôn luôn học hỏi, không khinh địch; không ngạo mạn tự kiêu khi thắng; không bi quan yếm thế khi thua. Và phải tự biết có những lúc thắng để đi đến nước thua và có những nước phải thua để thắng. Phải bình tĩnh, sáng suốt và tự tin để không bị ở thế kẹt đưa đến tiến thoái lưỡng nan buông cuộc.

Phải luôn có cái nhìn rộng và xa chứ không phải chỉ biết cục bộ để không mất thì giờ vào sự bảo vệ từng con chốt. Phải biết đi nước nào chánh biết bỏ lơi nước nào phụ. Phải có một cái nhìn toàn diện nắm vững thời cơ thì con đường sẽ bớt khó khăn thất bại và chông gai.

Phải tiến khi cần tiến và phải lui khi cần lui. Không vì sự tiến đó mà mừng và không vì sự lui đó mà buồn. Phải hiểu mọi bước tiến lui, tả hữu, đều nằm trên một hành trình tiến tới sự phục vụ cao cả thiêng liêng.

Thấy việc gì cần làm phải tự thực hiện và chịu trách nhiệm. Không lệ thuộc vào người khác. Khi lệ thuộc vào người khác thì trí tuệ ta ở đâu? Và việc hành xử cũng như xảy đến đều không nhằm vào sự học hỏi cũng như đường hướng mà pháp thân đã định.

Pháp thân là sự sáng suốt toàn diện. Còn mọi trí đời đều còn nằm trong lý luận, cố chấp, phân chia, thương ghét và thành kiến của quá khứ đối với mọi cá nhân.

Pháp thân là trí tuệ bát nhã vượt không gian và thời gian, vượt sự hiểu biết của con người và vạn vật.
Pháp thân đời đời bất diệt sáng suốt vô biên.

Con người phải tự tu, tự tiến để đạt được Pháp thân, hòa nhập với khối đại linh quang đem lại ánh sáng và tình thương cho muôn loài vạn vật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880