27-4-1991
Tu là nhận thức trực tiếp các giác quan của mình.
Tất cả những xúc cảm, linh cảm, cảm giác rung động đều được cảm nhận qua con tim. Tất cả những cảm nhận đó đều được trực tiếp cảm nhận qua mắt tai mũi lưỡi thân ý mà không phải qua hành trình xuyên qua trí óc, lý luận phải trái, qua sự lược giải của văn hóa tập tục, hay luật lệ của đời sống.
Tu phải chăng là học tập và sửa?
Tu là học những gì mình chưa biết, chưa thật sự lắng tai nghe, thật sự chú ý nhìn. Tu không phải chỉ nhìn ngoại cảnh, nghe người khác mà phải nhìn ngắm, nghe kỹ chính mình. Mình đã cảm nhận gì? Nghe gì và thấy gì nơi mình? Từ những cảm nhận đó, nghe thấy đó mình phải làm gì, nghĩ gì cho phù hợp với ngoại cảnh mà mình đang sống.
Nếu những sự suy nghĩ theo thói quen, lời nói việc làm của mình đã gây nên sự xáo trộn trong đời sống hay làm khổ những người xung quanh, ta hãy sửa và tập làm những điều mới cho phù hợp để hoán chuyển một đời sống buồn bã xáo trộn sang một đời sống hạnh phúc, hoàn mỹ hơn.
Tu phải chăng là sống một mình và nhận chịu cô đơn?
Muốn nhìn rõ mình thì không có con đường nào khác hơn là đi trở về sâu thẳm của tâm hồn mình.
Để biết mình và hiểu mình thì ta phải thật với chính ta. Nếu phải tự xấu hổ ta hãy xấu hổ với chính ta. Nếu hãnh diện ta cứ hãnh diện. Ta phải phát hiện hết những cái xấu cũng như cái tốt về ta không e ngại, giữ gìn, dấu diếm để biết, để học về cái ta rõ rệt này.
Sự hiểu rõ về ta thật vô cùng có ích vì nó là căn bản của mọi phương pháp để giải quyết những khó khăn trong đời sống.
Thiếu sự hiểu rõ về ta, căn nguyên của mọi khó khăn trong đời sống thì dù cho vấn đề gì đã được ta giải quyết xong đều chỉ có tính cách tạm thời, chờ đợi những vấn đề khó khăn khác sẽ được phát hiện theo chuỗi dây chuyền.
Vậy căn bản, căn nguyên của mọi gút mắc khó khăn trong đời sống phải chăng đã tiềm ẩn tiềm tàng nơi chính bản ngã của mỗi con người?