89. Chánh Niệm Giúp Hành Xử Chân Chánh

21 Tháng Sáu 20188:48 CH(Xem: 2500)
89. Chánh Niệm Giúp Hành Xử Chân Chánh
Mỗi lần gặp tai nạn, bệnh tật, dù nhỏ hay lớn đều là dịp để hành giả trụ tâm quán chiếu, xem xét lại công việc đang làm, con đường đang đi.

Mặc dù tâm đã định hướng, nhưng luôn phải tự nhắc nhở những việc nên và không nên làm, những việc thiết yếu cần làm cho đạo, cho lịch sử đạo, vì nếu tín đồ không làm thì không ai bên ngoài làm giùm mình.

Vì thế trên con đường tìm lại gốc đạo, nếu phải chịu thiệt thòi, gặp nhiều trở ngại hay khó khăn trong công việc thực hiện những bài viết, những quyển sách để làm sáng tỏ lịch sử tôn giáo mình, thì cũng phải cố sức làm, cố công thực hiện.

Từ trước đến nay sở dĩ đạo bị lu mờ, bị bên ngoài nhìn thấp, nhìn thiên lệch, chỉ vì những tín đồ không có đủ can đảm hy sinh chính mình để cho đạo được sáng tỏ. Có bao nhiêu người khi nhắm mắt xuôi tay ra đi cuối đời, vẫn không góp chút trí tuệ, hay sự hiểu biết của mình về đạo, về lịch sử đạo cho thế hệ trẻ Phật Giáo Hòa Hảo một cách chân chánh như cố cư sĩ Nguyễn Long Thành Nam qua quyển Phật Giáo Hòa Hảo Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc.

Hành giả đã gặp bao khó khăn, trắc trở, gặp bao thị phi, tấn công trong mấy mươi năm hành đạo, thì nay tuổi già sức yếu, có ngại gì mà không dành hết thời gian còn lại cho đạo, cho việc góp chút tàn hơi trước khi lìa đời.

Khai phóng tâm linh là một cánh cửa mở cho tương lai của đạo. Học hỏi về giáo lý, nghiên cứu về lịch sử đạo, luôn là niềm cảm hứng bất diệt nếu thật tâm tu.

Có thật tu mới thật tiến. Học đạo, học giáo lý để khai mở tâm linh bước sâu vào tâm thức tự ngã, chứ không phải để khoe khoang là mình biết đạo, biết giáo lý, hay giảng đạo lưu loát.

Biết nói đạo, giảng đạo, chưa phải là đã biết tu, vì biết tu thì diệt ngã, và trở nên khiêm nhường, hành xử vô cùng thận trọng và luôn giữ được im lặng, không luận đạo hay cạnh tranh nói đạo.

Luận đạo, cạnh tranh nói đạo là ngầm khoe sự hiểu biết của mình sẽ đi đến đường cùng, ngõ hẹp, gò bó đầu óc, tâm thức của mình và không trưởng thành trên con đường đạo.

Có rất nhiều người càng nói đạo càng cùn quẩn trong sự hiểu biết của mình và không có lối thoát cho tâm linh. Họ chỉ lặp đi lặp lại những gì đã biết, đã thuộc nằm lòng.

Lối thoát cho tâm linh là sự tu tập hiểu biết giúp cho ta trưởng thành, vượt được hàng rào ngôn ngữ, ngõ hầu hiểu được chân lý giải thoát, đạt tính không mầu nhiệm. Tính không mầu nhiệm mới thật sự giúp ta sống trong chánh niệm.

Chỉ sống vững vàng trong chánh niệm ta mới hành xử chân chánh được.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880