05. Sự Thông Thái Của Thế Hệ Trẻ

21 Tháng Sáu 20186:59 CH(Xem: 2294)
05. Sự Thông Thái Của Thế Hệ Trẻ
19-08-2015.

Cảm hứng của tác phẩm đạo chỉ đến khi tâm được bình yên. Tuy sống trong đời sống hiện thực, nhưng đồng thời sống trên đời sống thật để có cái nhìn tổng quan không lệch lạc bởi thời sự, môi sinh, vân vân…

Người viết, kẻ sáng tác, vẫn sống, vẫn thở, tai vẫn nghe những tiếng động xung quanh. Nhưng cái nghe, cái nhìn của nội quan và ngoại quan, của sự giao cảm của mình với vạn vật trong thời gian và không gian đó đều xảy ra một cách đồng bộ.

Cảm hứng chỉ nhập vào nguồn đạo khi tâm trụ, mới vượt được sự ràng buộc của ngôn ngữ và dữ kiện, để trở nên sự sáng tạo trong sáng, không bị lệ thuộc những thành kiến chủ quan của ta và những người trước ta hay cùng thế hệ.

Nếu cảm hứng đến mà tâm vẫn xáo trộn việc đạo lẫn việc đời, thương ghét giận hờn, hay trong lòng muốn thế này thế kia, thì tác phẩm sẽ trở nên luận đạo, trở thành sự muốn chứng minh như thế này như thế nọ cho mục đích ca ngợi đề tài muốn viết.

Sự sáng tạo phải đi song song, tiến hóa đồng bộ giữa con người và vũ trụ. Tư tưởng sáng tạo phải chuyển hóa mới phù hợp với con người, hoàn cảnh và môi sinh.

Ta không thể trì kéo con người và nhồi nhét vào đầu họ những lập luận ta cho là hay là đúng của quá khứ, vì bộ óc con người mỗi thời đại mỗi khác. Môi trường sống thay đổi, điều kiện sống, kỹ thuật, phương tiện đều thay đổi, vì thế trí óc con người phải cập nhật, chuyển đổi theo, để sống còn.

Trí óc của giới trẻ với phương tiện truyền thông tân tiến hiện nay đã phát triển trăm ngàn lần hơn so với thời đại của những tác phẩm ghi chép bằng tay để phổ biến truyền đạt.

Ngày nay, một tác phẩm hay một bài viết hay, một tư tưởng giúp đời, giúp đạo, chỉ trong tíc tắc có thể đến hàng trăm hàng ngàn người đọc, và cứ thế nhân lên. Tư duy của các nhóm người cũng thay đổi và bị ảnh hưởng liên tục, vì tư tưởng con người hiện đại được tiếp xúc với nhiều tư tưởng khác, tốt có, xấu có, thánh thiện có, tàn ác có, vân vân…

Ta không còn nhìn con người theo cái nhìn xếp hạng hay phân biệt cao thấp, giỏi dở, tôn giáo này tôn giáo kia hay ý thức hệ nọ.

Con người càng biết nhiều qua phương tiện truyền thông, càng trở nên bí ẩn. Họ có thể trở nên một nhà thông thái dù mang lớp vỏ bần cùng hay ngu dốt. Hoặc họ trở nên nguy hiểm, đầy mưu mô xảo quyệt trong lớp vỏ trí thức có nhiều bằng cấp.

Không có cái gì ta viết, ta nói, mà không có người hiểu, người biết. Con người ngày nay dù rất trẻ, họ có thể là những người thầy dạy kẻ khác. Người cầm bút, kẻ viết báo, người làm chánh trị, không thể qua mắt họ với ý đồ bất chánh. Dù người viết có dùng thuật ngữ huyền đạo hay tôn giáo, chánh trị, hoặc bằng những từ ngữ yêu ấp quê hương, phục vụ đất nước, để lập luận cho ý đồ của họ, giới trẻ cũng đều có nhận xét nhạy bén để nhận biết.

Nếu muốn luận đạo, luận đời, luận chánh trị với ý đồ bất chánh để phục vụ mình hay phe nhóm mình, chỉ làm trò cười cho thế hệ mai sau.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880