18. Nếu Không Buông Thì Tự Cắt Đứt Đường Tu

21 Tháng Sáu 20187:26 CH(Xem: 2140)
18. Nếu Không Buông Thì Tự Cắt Đứt Đường Tu
02-11-2015.    5 giờ sáng.

Phải chăng tâm không là thái độ bỏ qua những điều đã xảy ra cho chính mình hay giữa mình với người?

Có người lại tưởng tâm không, tánh không, là sự cao thượng, lòng bao dung, bác ái đối với người, nên hay bỏ qua. Và thật sự họ có bỏ qua được không? Có vượt được không hay nó vẫn vương vấn và nặng trĩu trong lòng?

Tâm không, là thấy biết với đầy đủ cảm xúc của một con người bằng xương thịt nhưng vượt được cảm xúc, tức có cảm xúc nhưng cảm xúc này không khống chế được người đó để có thể phản ứng hay phát sinh hành động nhất thời, hoặc hành động về sau, tạo nên những đau khổ hay va chạm dây chuyền.

Tâm không là biết mà không động, có xúc động nhưng không phản ứng theo xúc động. Biết trong sự sáng suốt. Làm chủ bản thân, không để xúc động này tạo thêm những suy nghĩ lan man, lý luận dây chuyền.

Tâm không là nhìn, thấy, biết nhưng không dồn ép cảm xúc, hay cố che đậy cảm xúc vì cái ngã, hoặc tự ái, tự cao, vân vân…

Nếu tưởng mình đạt tâm không, nhưng thật sự không phải tâm không mà là giả-tâm-không, thì người tu sẽ biến mình thành con người hai mặt. Bên ngoài hiền từ bao dung nhưng bên trong có những khối u phiền não khó lành.

Đó là một căn bệnh mà người tu tại gia kể cả tu sĩ, thường mắc phải và chỉ riêng họ biết. Tu sĩ chức bậc càng cao thì bệnh “hai mặt” hay “giả đạo” càng nặng và càng khó chữa. Chỉ có độc nhất một cách chữa là tự buông. Tuy nhiên chức phận càng cao bao nhiêu càng khó buông bấy nhiêu.

Con đường duy nhất tránh bị mắc phải “bệnh giả đạo hay người hai mặt” là người tu cần biết rằng nên học buông, và tập buông ngay từ đầu khi mới bước vào đường tu.

Nếu đã chọn con đường tu nghĩa là bước đi; dù bước chân mới bước còn non nớt, còn chập chững, vẫn phải học chữ “không” để buông dần chữ “có”.

Nếu chọn con đường tu mà cứ bước vào chữ có, bước vào con đường tiền tài vật chất, áo mão cân đai, công danh sự nghiệp, thì giống như con nhện nhả tơ bọc kín lấy mình, gỡ mãi chẳng ra, đến hơi thở cuối cùng vẫn nằm im trong màng nhện của chính mình.

Dầu ở hoàn cảnh nào, thời điểm nào, ta cũng không nên đổ lỗi cho lý do này hay vì việc nọ khiến không buông được. Khi quyết tu phải có ý chí dõng mãnh, lòng tin tuyệt đối, kiên trì tâm nguyện, và sự lựa chọn con đường đi chân chính cho cuộc đời mình.

Nếu không buông được thì chính mình tự cắt đứt đường tu.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880