110. HOÀN TOÀN CHỦ ĐỘNG MỚI CÓ KHẢ NĂNG GÓP SỨC CHO NHÂN LOẠI

23 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 71894)
110. HOÀN TOÀN CHỦ ĐỘNG MỚI CÓ KHẢ NĂNG GÓP SỨC CHO NHÂN LOẠI


10-10-10 – 0:00 giờ khuya

 

Nếu muốn hy sinh vì đạo thì việc trước nhất là có khả năng triệt bỏ mọi ước vọng cho bản thân.

 

Nếu việc triệt bỏ mọi ước vọng cho bản thân không làm được thì không có khả năng đóng góp thật sự cho đời, đạo, đất nước được.

 

Trong bất cứ thời đại nào, người ta rất khó nhận diện được người hy sinh thật sự. Người hy sinh thật sự không tìm cách cho mình nổi bật trong đám đông, trong cộng đồng, hay bất cứ nơi đâu, cho dù vì lý do gì.

 

Cái lý do để nổi bật, để nổi tiếng đều là sự giả tạo. Cái thật tự nó có giá trị, không vì sự khen tặng, tung hô. Cái thật không đem một nguồn lợi nào cho bản thân mới có giá trị thật sự, mới đóng góp thật sự cho đời sau.

 

Cần đào sâu thêm nội tâm sâu thẩm của chính mình để tìm hiểu sự thật của mọi cội nguồn, mọi gút mắt, mọi dây mơ rễ má ăn bén lâu đời khó thấy.

 

Sau khi đào sâu, thấy rõ cội nguồn của mọi cội nguồn, lý do của mọi thúc đẩy của đời sống, của mọi việc làm để rồi tự hỏi: Ta có khả năng thật sự buông bỏ mọi ước nguyện sâu kín của bản thân?

 

Từ sự thấy, biết, đến sự buông bỏ dứt khoát với mọi liên hệ của tâm linh lẫn đời sống quanh ta trong tâm não, ta mới có khả năng tiến tới giai đoạn Tâm Không Thường Trực. Không còn lúc có, lúc không, hay quân bình không thường trực.

 

Tâm không hay thể trung bình hóa chưa liên tục là vì ta vẫn còn nhiễm trần, vẫn còn ước nguyện, dù là nguyện ước cho đạo, cho tha nhân, cho chính ta với mục đích cao đẹp như thế nào đi nữa, nó cũng cho ta thấy ta vẫn còn sống trong một thế giới mộng ảo của sự ao ước, của cái muốn.

 

Cái muốn là một viên thuốc bọc đường khiến tâm ta thường xuyên bất an. Cái muốn hay đẩy ta làm việc này việc kia cho “được”, hay không làm việc này việc kia vì sợ “không được.”

 

Khi cái muốn còn hiện hữu thì ta chưa hoàn toàn được tự do, tự tại, hoàn toàn làm chủ chính mình. Tức vẫn còn lệ thuộc – dù cái lệ thuộc vô hại.

 

Cái muốn dù tốt cũng khiến ta bị lệ thuộc. Mà đã bị lệ thuộc thì còn yếu đuối, còn sợ hãi “được”, “không.” Ta vẫn chưa đi vững, vẫn còn bước ngắn, bước dài, xiêng qua xẹo lại, dù vẫn đi tới cái hướng chánh đáng mà mình đã chọn.

 

Người có Tâm Đạo không dùng sự khôn ngoan, lanh lợi của người bình thường mà phải dùng trí tuệ và sự sáng suốt để không nhìn mà thấy, không lắng nghe mà biết để hành sử sao cho đúng thời, đúng lúc, phù hợp với Thiên Thời Địa Lợi Nhân Hòa.

 

Nếu không dứt khoát với mọi ước nguyện, mọi khởi tâm, ta có thể ăn, nói, làm những điều chưa đúng thời, đúng lúc gây đổ vỡ, sai lầm, thất bại.

 

Vì thế từ nay ta không khởi tâm mong cầu, hay cầu nguyện điều gì cho chính mình, dù chính đáng hay không chính đáng cũng tạo cho nội tâm mình một sự yếu đuối, ủy mị, vì sự van lơn, thỉnh cầu khiến cho ta trở nên thế bị động. Mà người ở thế bị động sẽ không bao giờ chủ động được cuộc đời và sự nghiệp giúp đời, đạo của mình.

 

Phải luôn hoàn toàn chủ động chính mình và tất cả việc mình làm, mới có khả năng đóng góp công sức cho nhân loại trong Tân Thiên Niên Kỷ.

 


Ghi chú
: Hồi chiều lúc 6 giờ tại Hoa Kỳ, ở Việt Nam 8 giờ sáng ngày 10-10-2010, xem truyền hình TV4 chiếu trực tiếp buổi lễ ngày song thập mừng 1000 năm Thăng Long. Đoàn diễn hành cầm một rừng cờ búa liềm và cờ đỏ sao vàng đi qua khán đài. Trên khán đài có các lãnh đạo Việt Nam. Thấy thật xót xa cho miền Trung đang bị lũ lụt, Sài Gòn đường phố đang ngập lụt. Báo Dân Trí đăng hình cha mẹ các em học sinh bế hay vác các em lội qua sông để đi học. Quần áo sách vở các em ướt hết mà vẫn phải đến trường học.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880