6. CỐ HIỂU VÀ QUÊN MÌNH hay: TRAU TÂM SỬA TÁNH

23 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 70350)
6. CỐ HIỂU VÀ QUÊN MÌNH hay: TRAU TÂM SỬA TÁNH


13-4-09 – 11:30 giờ trưa


Làm thế nào để tránh quyết định thực hiện một việc gì, rồi sau đó tự bị phản ứng ngược lại do chính quyết định của mình đã làm?


Lúc quyết định làm việc đó, ta có sáng suốt không? Có cân nhắc kỹ không? Ta làm một cách máy móc? Hay ta quyết định một cách vội vã?


Ta làm vì bị thúc đẩy từ bên ngoài? Ảnh hưởng từ bên ngoài?


Ta có trọn quyền quyết định không? Ta có làm vì chẳng đặng đừng không?


Lúc đó có phải ta đã suy nghĩ kỹ tất cả mọi vấn đề, nhưng ta đã quên ta chăng? Ta chưa hiểu ta chăng? Và nhất là ta nghĩ đến người, làm vui cho người, nhưng quên phản ứng của ta sau khi ta làm việc đó.

 

Trong đời sống, có rất nhiều lần ta làm tốt cho mọi người, có ích cho mọi người, giúp đỡ mọi người, nhưng ta lại hại mình. Chính là vì ta chưa hiểu sức chịu đựng của mình. Do đó ta thường gây mâu thuẫn cho chính mình, và sau đó lại tạo ra mâu thuẫn giữa ta và người mà ta muốn giúp. Nhưng thủ phạm lại cũng chính là ta.

 

Muốn làm điều gì ta phải hiểu rõ tâm và tánh của chính mình, vì tâm và tánh không song hành, ta sẽ tự tạo ra mâu thuẫn cho chính mình.

 

Tâm là tâm từ bi, tâm đạo. Tánh là tánh người, bản chất của con người mình. Tâm dễ sửa, nhưng tánh khó sửa như là tật vậy.

 

Vì thế nên có câu “trau tâm sửa tánh.” Và vì vậy cho nên ta cần đời và đạo song tu. Nếu không cuộc đời ta sẽ mãi mãi là một chuỗi dài đầy mâu thuẫn. Mâu thuẫn với chính ta, và mâu thuẫn với người xung quanh, xã hội mà ta luôn va chạm, nếu ta chọn một cuộc sống đời thường, không vào tu viện hay vào rừng sâu, hang động.

 

Muốn giúp đời, giúp người, ta không thể xa rời cuộc sống mà ta phải chấp nhận cuộc sống chung với người thân, kẻ lạ, người mình thích lẫn không thích.

 

Muốn giúp đạo, giúp quốc gia dân tộc, ta còn cần phải tự rèn luyện nhiều hơn nữa trong mọi trường hợp khó khăn hơn, chấp nhận bao nhiêu chuyện không hài lòng, người khác tánh, khác lập trường, khác đạo, khác giai tầng, đẳng cấp.

 

Muốn giúp đời, giúp đạo, giúp quốc gia dân tộc, ta phải cần trau giồi tâm tánh nhiều hơn. Nếu không tự điều chỉnh mình trong mọi trường hợp, mọi môi trường, những nhóm người khác biệt mà ta phải tiếp xúc thì ta cũng phải hiểu tâm tánh ta một cách tường tận hơn, để ta không bị hụt hẩng mỗi khi gặp chuyện không hài lòng, hay bất mãn, xung khắc.

 

Giúp đạo, giúp nước là một tiến trình đầy thử thách và chông gai, khó khăn lẫn nguy hiểm mà người có tâm phục vụ phải biết tường tận để tránh bỏ cuộc, rút lui.

 

Chiếc cầu ta bắc qua được nửa con sông, ta không thể bỏ cuộc mà phải rán hết sức mình để cho nó hoàn thành. Một ngày nào đó, ta sẽ nằm xuống không dùng nó, nhưng thế hệ sau sẽ nhờ nó mà đến được bên kia sông.

 

Cố hiểu mình hơn và quên mình để tiếp tục xây nửa chiếc cầu còn lại.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880