16-6-10 – 9:30 giờ sáng
Tu như thế nào để tránh việc không biết là mình đang đi sai đường, hoặc lầm đường, trật đường, ngược đường, hay lộn đường?
Trước nhất ta cần định tâm, chú tâm, quyết tâm, nhất tâm để nhắm phương hướng. Cái phương hướng là điều quan trọng của con đường hướng đến giải thoát. Đó là hướng đi theo ngón tay chỉ của Phật. Đó là hướng Phật chỉ chứ không phải cánh tay hay bàn tay của Phật ốm hay mập, ngay hay cong, đẹp hay xấu, già hay trẻ.
Nếu ta biết rõ phương hướng thì dù cho trên con đường tu tập vì quá hăng say, nồng nhiệt mà phải bị rù quến, mê lầm, ngu muội trong đoản kỳ ta cũng có thể tìm lại phương hướng chính theo lời dạy hướng dẫn của Ngài mà đi lại cho đúng.
Muốn được như vậy thì ta phải chuyên cần tu tập. Không phải chuyên cần là đọc kinh suốt ngày hay lạy lụt suốt ngày, mà thức giác trong mỗi hành động và nghĩ suy, thức giác trong mỗi lời nói.
Ta cần nghe khi ta nói, ta cần biết và nhìn ngay hành động của mình. Lời nói nào dư, cử chỉ nào dư không cần thiết để cắt bỏ nó. Vì mỗi ý nghĩ, hành động và lời nói luôn tạo nên một chuỗi dây chuyền tạo ra biết bao nhiêu là nhân quả cho ta và người xung quanh ta.
Cái nhân quả tạo nên mỗi giây phút trong đời sống là một mạng lưới vô hình tạo nên bao vướng mắc cho ta trong đời sống.
Khi ta thức tỉnh, giật mình nhớ và định lại phương hướng mà Phật đã chỉ cho ta, Tâm Thân Ý ta như bừng tỉnh một giấc mộng, giống như căn phòng tối được bật lên một ngọn đèn.
Sự nhớ lại phương hướng Phật dạy càng mạnh, càng quyết tâm sửa đổi thì độ sáng của ngọn đèn càng mạnh như được Phật gia trì thêm nội lực để biến ngọn đèn thành ngọn lửa tam muội đốt sạch sự loạn tâm tham sân si của ta để cho nó trở nên trống rỗng toàn thiện.
Ta cần giữ sự trống rỗng toàn thiện của nội tâm trong mỗi sát na mỗi giây phút của đời sống. Đó là phương hướng đúng của bàn tay Phật chỉ.