71. TINH THẦN ĐẠO HỌC DÂN TỘC CHO GIỚI TRẺ VIỆT NAM

23 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 70585)
71. TINH THẦN ĐẠO HỌC DÂN TỘC CHO GIỚI TRẺ VIỆT NAM


6-4-10 – 8:30 giờ sáng

 

Sự ra đi đột ngột của Lạt ma Ngulchu Tulku, với tên gọi là Dharmapa tại Oregon đã như là một thông điệp để biết mình phải hướng và đặt trọng tâm vào vấn đề gì.

 

Tiền kiếp của ngài Dharmapa là Lạt ma Ngulchu Lobsang Choepel, bị đâm và chết trong tù bởi Trung Cộng tại Tây Tạng. Lạt ma Ngulchu Lobsang Choepel là thầy của Đức Panchen Lama thứ 10. Kiếp này Lạt ma Dharmapa vẫn còn mang vết thẹo nơi vết đâm của tiền kiếp. Ngài từng bị bắt 35 lần tại các buổi biểu tình của người Tây Tạng tại Katmandu, Nepal, nơi có 20.000 người Tây Tạng lưu vong.

 

Tác giả có phước duyên gặp ngài và cùng đi chung chuyến hành hương và đã nhiều lần trò chuyện với ngài, cùng cầu nguyện nơi có dấu chân Đức Phật tại vườn Lâm Tì Ni, Ấn Độ. Ngài kể chuyện được các Lạt ma tìm kiếm khi ngài còn là một cậu bé học tiểu học hay ngồi nắn đất xây tu viện. Sau chuyến đi Ấn Độ hành hương, được biết ngài qua Mỹ và mất một cách nhẹ nhàng sau khi ghi chú ngày tháng ra đi vào quyển sổ.

 

Một thí dụ điển hình để cần chú tâm và hướng về phục vụ và rao truyền chánh pháp cho kịp thời hạ ngươn mạt pháp để chuyển sang một Tân Thiên Niên Kỷ. Viết, nói thì ngắn mà sự chuyển biến thì dài hằng trăm năm.

 

Khi viết thì cần quán sát, theo dõi độc giả là ai. Ta cần biết độc giả thuộc giới và lứa tuổi nào. Qua sự liên lạc của độc giả trang nhà http://nguyenhuynhmai.com thì phần nhiều là giới trẻ Việt Nam từ 20, trung học, tốt nghiệp trung học, hay du học sinh, hoặc giới tu nghiệp tại hải ngoại.

 

Vậy thì điều nên nhớ kỹ là viết cho độc giả, sống và phục vụ đóng góp cho xứ sở quê hương, dân tộc và đạo pháp, hòa bình cho nhân loại, chứ không phải viết cho những giới trong và ngoài nước đang chết dần với đầu óc chứa đầy tư tưởng bi quan và hủ lậu, hoặc sắp chết.

 

Giới già Việt Nam còn sống hay đang chết khi còn sống, người thì ôm thù hận của hai bên để sống những ngày còn lại. Nếu muốn làm điều gì thì hầu hết để phục vụ cá nhân, cố hưởng thụ những ngày tàn (nhiều người hô hào yêu nước nhưng về Việt Nam lấy vợ đáng tuổi con cháu, hoặc muốn làm ăn, mua đất nhà để dưỡng già). Người sắp chết hay đã chết thì ôm mối hận xuống tuyền đài.

 

Vậy thì giới trẻ trong và ngoài nước cần gì? Phải chăng họ cần sự tôn trọng, trân quý và nhất là thông cảm. Phải chăng họ rất cần một tương lai tươi sáng để vươn lên, cầu tiến và có cơ hội học hỏi về kỹ thuật văn minh hiện đại để theo kịp các nước văn minh.

 

Ta không thể “trống cứ đánh xuôi, mà kèn thì thổi ngược mãi.” Giới trẻ Việt Nam cần vươn lên khỏi những ám khí hôi tanh của thù hận và chiến tranh. Họ cần ta chống đỡ họ bằng tinh thần mạnh mẽ quật khởi hiếu học với một hành trang đạo đức để trở nên một con dân biết yêu quê hương phục vụ đất nước với tinh thần đạo học dân tộc.

 

Tinh thần đạo học dân tộc là nền tảng để giới trẻ xây dựng lại cơ đồ Việt Nam trước họa ngoại xâm đang vẫy vùng chực hờ tứ phía.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880