45. TU TẬP LỢI LẠC CHO CUỘC SỐNG VỀ GIÀ
8-1-2021– 9 giờ đêm
Lúc về già, con đường duy nhất để vượt đau khổ là sự tu tập.
Tu tập để vượt, để thoát sự khổ, để tự bảo vệ mình, để tập mạnh dạn lên và tập chấp nhận mọi sự đến, đi, hài lòng lẫn bất mãn. Tức chấp nhận mọi sự vật NHƯ LÀ.
Chỉ còn bốn ngày nữa là đến ngày Tết Tân Sửu. Hôm nay, ngồi trước ngôi Tam Bảo với đèn và nhang điện vì trong nhà có người kỵ khói nhang sẽ bị ho, bị suyễn. Hành giả cũng tập cho mình cúng lạy thiếu nhang thơm và ánh đèn cầy lung linh, cũng không được nhìn thấy khói nhang nghi ngút.
Hành giả nhớ đến mẹ lúc gần cuối đời, bác sĩ phổi cũng khuyên bà không được thấp đèn nhang, trong khi suốt cuộc đời bà sáng trưa chiều quen cúng lạy với đèn nhang nghi ngút.
Thiếu đèn, thiếu nhang, sự tu tập vẫn tiếp tục, và hành giả cũng quen dần với sự giản dị hóa khi cúng lạy hay lúc ngồi thiền, viết nhật ký tâm linh.
Đức Thầy đã dạy trong quyển ba: Sấm Giảng (câu 45-46):
“Niệm Phật nào đợi mùi hương,
Miễn tâm thành kính tòa chương cũng gần.”
Cuộc sống lại có bao thay đổi, từ khi ba mất, rồi đến mẹ mất. Biết bao vật đổi sao dời, và chỉ có sự chấp nhận mọi sự vật biến chuyển, đổi thay, mới giúp cho tâm mình được bình an, nhẹ nhàng.
Chấp nhận sự đổi thay là một nấc thang khá cao, khá khó khăn trong hành trình tu tập, và người muốn tu cần phải luyện tâm mới có thể vượt qua được.
Mỗi một bước đi, mỗi một ngày tháng, một năm qua là một hành trình cam go của nội tâm. Bên ngoài biến chuyển xung quanh ta, từ người thân, kẻ lạ, từ chính trị, xã hội, tất cả đều ảnh hưởng, từ trực tiếp đến gián tiếp đến nội tâm ta một cách mạnh mẽ. Có lúc ta bị nó vây, nó điều hành cuộc sống, hành động, và sự suy nghĩ. Có khi đột biến không kịp trở tay, và đã gây ảnh hưởng đến sự suy nghĩ, lời nói, và hành động một cách không lường được. Chỉ có sự tu tập và quán chiếu thường xuyên mới bắt kịp sự xoay chuyển của nội tâm, để kịp thời ngăn chặn hay tự ngăn mình lại, hầu không gây ra hậu quả của sự va chạm các luồng tư tưởng khác biệt.
Tu tập, quán chiếu, trụ tâm trụ tánh lại, để bảo vệ mình, để giúp tâm, thân, ý được luôn ở trong thể trung tính, không bị va chạm với các luồng tư tưởng trái chiều, với hoàn cảnh ngang trái, bất ngờ có thể xảy ra khiến ta trở nên lo lắng, bất an, lúng túng, thất vọng, bế tắc.
Khi lớn tuổi, ta cần bước những bước chậm lại để không đi đứng loạng choạng; tập lắng nghe sâu hơn, và suy xét lâu hơn; quyết định mọi việc kỹ hơn, chậm hơn, để tránh lầm lỗi.
Tu tập thật sự lợi lạc cho cuộc sống về già.
Gửi ý kiến của bạn