13. PHẢI HIỂU RÕ HAI CHỮ HY SINH
27-4-2020 – 4 giờ sáng
Khi khẩn nguyện hay tự nguyện hiến dâng cuộc đời mình vì đạo, thì đồng thời cũng phải chấp nhận và quyết định rằng sẽ không màng đến sự thành tựu gì cho riêng mình, dù là tiền tài hay danh vọng, khi mình còn tại thế.
Nghĩ được như thế, ta phải cố công tu tập để được sáng suốt, làm việc không ngơi nghỉ lẫn không sợ hãi bởi yếu tố thời gian khi càng lúc càng già đi.
Tu tập và làm việc góp công cho đời cho đạo, dù là hành động hay tư tưởng cũng đều quan trọng, miễn là có ích cho đạo, cho đời, dù rằng mọi người có biết hay không biết.
Cuộc đời hành đạo của Đức Huỳnh Giáo Chủ tuy không dài, và Ngài vắng mặt lúc còn trẻ, nhưng các hành giả, đệ tử của Ngài học mãi, học hoài, học cả một cuộc đời vẫn chưa hết, chưa thông suốt.
Thời gian đến đâu, làm việc đến đó, không câu nệ, thở than, lo lắng, sợ sệt, hay bị thúc bách bởi ngoại cảnh và thời gian. Dù cho có thấy, biết trong năm mười năm, hay hai mươi năm, hoặc hơn nữa, tâm vẫn phải an định; vì tất cả mọi việc đều phải hòa hợp với cả ba cõi thiên địa nhân rồi mới an định, thì ắt phải có sự đón nhận đúng thời đúng lúc.
Có bao nhiêu tác phẩm ích lợi cho quần sanh là kết quả của cả một đời người. Có biết bao kết quả hay dự án khoa học, do công sức, xương máu của vô số người. Nhiều người đã bị thiệt mạng, tù tội, nhục hình, chịu đựng đớn đau, hầu góp công cho việc cứu bao sinh mạng của con người.
Nếu không hiểu được những điều trên sẽ khó hoàn thành sứ mạng góp sức cho đời lẫn đạo.
Phải hiểu rõ hai chữ hy sinh thì sự hy sinh mới có kết quả cho cộng đồng nhân loại nói chung, và cho Việt Nam nói riêng.
Gửi ý kiến của bạn