66. Chức sắc Giáo Hội phụng hành Tôn Chỉ Đạo

15 Tháng Tư 20221:24 SA(Xem: 1401)
66. Chức sắc Giáo Hội phụng hành Tôn Chỉ Đạo
66. CHỨC SẮC GIÁO HỘI PHỤNG HÀNH TÔN CHỈ ĐẠO

14-6-2021 – 10 giờ sáng

Tinh thần Phật Giáo Hòa Hảo và giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo được duy trì, phổ biến, và lan rộng khắp nơi cho đến ngày hôm nay, phần lớn là nhờ niềm tin và sự hành đạo của tín đồ, chứ không phải chỉ riêng do các tổ chức đại diện cho Phật Giáo Hòa Hảo.

Tại sao?

Vì mỗi tín đồ tự đốt cho chính mình một ngọn đuốc soi đường theo lời dạy của Đức Tôn Sư, ghi trong Sấm Giảng quyển 4 Giác Mê Tâm Kệ (câu 353-354):

“Ai biết tri việc phải làm cứ làm,
Sau mới biết ai Phàm ai Thánh.”

Nhưng muốn “biết tri việc phải làm” thì phải học giáo lý của Đức Thầy và phải hành theo lời dạy của Ngài, nhất là trong Sấm Giảng quyển 6: Cách tu hiền và ăn ở của một người bổn đạo.

Trong quyển này gồm có những điều sơ lược cần biết của kẻ tu hiền về các giới xuất gia, tại gia; và Tứ Ân gồm ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, và ân đồng bào nhân loại.

Đức Huỳnh Giáo Chủ nhấn mạnh về Tam Nghiệp gồm thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp.

Về Bát Chánh Đạo, Đức Thầy đã chỉ dạy rõ ràng về chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh mạng, chánh ngữ, chánh niệm, và chánh định.

Trong Sấm Giảng quyển 6 này, Đức Thầy đã dạy tín đồ một cách rất cặn kẽ về các cách thờ phượng, lễ lạc, và sự ăn ở của một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, bao gồm các nghi thức hành lễ hàng ngày, tang lễ, cách cầu nguyện cho người chết, và hôn nhân. Ngài cũng dạy cách đối đãi tôn kính với tăng sư, chùa chiền; kể cả cách cư xử đối với các tôn giáo và hội đoàn khác, vân vân.

Đức Thầy đã cẩn trọng chăm sóc, chỉ bày lối tu tập và ăn ở trong đời sống của từng bổn đạo. Chính nhờ nương theo các lời dạy đó mà tín đồ mới vững tâm, và mối đạo mới trường tồn và phát triển như ngày hôm nay.

Tuy nhiên, một số chức sắc trong một vài tổ chức đại diện tín đồ lại thiếu học tập về các lời dạy này, cũng như phương diện tổ chức theo tinh thần đạo, và đã không thực hiện đúng tôn chỉ hành đao có ghi rõ trong giáo huấn của Đức Tôn Sư. Họ lại có khuynh hướng nghiêng về cá nhân chủ nghĩa, độc tôn, độc đoán, mưu đồ danh lợi cá nhân, dẫm đạp lên nhau để tranh dành quyền lợi và tiếng tăm và địa vị.

Có rất nhiều người chưa hiểu rõ Ban Trị Sự là gì? Hay Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo là gì?

Đó là một tổ chức tôn giáo do tín đồ bầu ra để điều hành giáo sự. Trưởng ban đại diện, hay Hội trưởng, là đại diện cho số tín đồ trong một vùng, nhằm điều hành giáo sự giúp cho tôn giáo được phổ truyền và phát triển.

Tổ chức tôn giáo có nhiều vai trò, nhiều ban ngành, cùng nhau phối hợp, hợp tác, và trách nhiệm về phương diện điều hành sao cho nhịp nhàng, hài hòa, và hữu ích.

Một tổ chức tôn giáo không phải là một bộ tộc sơ khai dưới sự cầm đầu của một tộc trưởng, có quyền ra lệnh và quyết định một cách độc đoán theo ý kiến bản thân, và toàn quyền cai trị bộ tộc đó. Tổ chức tôn giáo lớn lao, phức tạp, và tôn quý hơn các sự hành xử đời thường trong một tổ chức sinh hoạt nhỏ bình thường trong xã hội.

Tôn giáo đặt căn bản trên niềm tin thiêng liêng, và phải theo đúng y chỉ lời dạy của Đức Tôn Sư là vị đã khơi dậy được niềm tin trong tâm của tín đồ. Các chức sắc không nắm rõ tinh thần đạo, và hành xử theo thế quyền, có khi còn độc đoán hơn cả thế quyền, nếu chỉ theo phán quyết của cá nhân.

Muốn cho tôn giáo nói chung, và tổ chức giáo hội được phát triển rực rỡ, cần theo đúng sự ưu tư của Đức Thầy:

“Ước mơ thế giới lân Hòa Hảo,
Nhà Phật con Tiên hé miệng cười.”

Đó là niềm ưu tư của Đức Thầy bày tỏ trong bài thơ “Phòng vắng đêm khuya” (câu 7-8) viết tại nhà thương Chợ Quán đêm 25-8 năm 1940. Và

“Biết làm sao gieo đạo khắp đại đồng,
Đưa nhân loại đi vào vòng hạnh phúc.”

Những câu nói lên ước mong mà Đức Thầy đã thổ lộ trong bài “Không buồn ngủ” (câu 11-12) cũng được viết tại nhà thương này năm Canh Thìn 1940.

Chúng ta, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, cần nhìn thẳng và nói thật để cùng nhau chấn chỉnh, hầu không phụ ơn trời biển của Đấng Tôn Sư.

Có bao nhiêu cá nhân đã học thuộc lòng kinh giảng, văn thơ, lời dạy của Đức Thầy, chỉ trong mục đích được nổi danh, được chức vụ, nhưng lại không hành y theo tôn chỉ hành đạo của Đức Thầy.

Nếu các tổ chức đại diện của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo thực hành đúng vai trò của mình, theo huấn thị của Đức Huỳnh Giáo Chủ, tạo niềm tin cho tín đồ, thì Phật Giáo Hòa Hảo sẽ được phát triển rộng rãi nhanh chóng, giúp công làm lợi cho đất nước Việt Nam đang gặp khó khăn về giáo dục, xã hội, y tế, và đạo đức.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880