DẪN NHẬP
NGỌN LỬA KHAI TÂM
NGỌN LỬA KHAI TÂM
Nếu muốn đi đúng đường phải luôn nhắc nhở lời chỉ dạy của Đấng Tôn Sư.
“Quá mắc mỏ bởi chưng Phạn ngữ,
Nên người đời khó kiếm cho ra.
Mõ chuông bày đọc tụng ó la,
Chớ hiếm kẻ tường thông nghĩa lý.”
(Đức Huỳnh Giáo Chủ, quyển 4, Giác Mê Tâm Kệ, câu 15-18)
Con đường tu của mình khi đã chọn, đã quyết chí đi, thì vẫn phải tiếp tục đi. Đó là con đường tâm pháp phát triển trí tuệ.
Vạn pháp đều đi đến chân lý tối thượng, nhưng chọn con đường nào cũng phải có cái tâm trì giới, mạnh mẽ, bất thối chuyển thì mới đến nơi nhanh nhất và đến nơi đúng nhất, vì không bị lạc hướng, lầm đường.
Có những người chọn con đường tu phải đi vào kinh kệ, phải học khổ hạnh, gặp bao thử thách mới khai tâm mở trí nhìn thấy ngọn đèn sáng. Ngọn đèn vẫn luôn hiện diện, và thấy được hay không, nhanh hay chậm, đều do tâm thức của mỗi hành giả, không phải do kinh kệ hay pháp tu hay hoặc dở.
Một người không tôn giáo, không theo pháp tu nào, không chữ nghĩa bằng cấp cao, vẫn đạt chân lý, vẫn có trí tuệ siêu việt, dù ở chốn rừng sâu núi thẳm, hay là một kẻ vô gia cư chốn thị thành.
Trong Sấm Giảng quyển tư, Giác Mê Tâm Kệ, viết tháng 9 năm Kỷ Mão 1939, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã bày tỏ (câu 355-356) như sau:
“Lựa làm chi cao chữ học hành,
Biết tỏ ngộ ấy là gặp đạo.”
Và (353-354):
“Đức Lục Tổ ít ai dám sánh,
Người dốt mà nói pháp quá rành.”
Có bao nhiêu đấng Hoạt Phật sống nghèo nàn, lam lũ, đầu tóc rối bời, áo quần lấm lem dơ bẩn, nhưng với cặp mắt thánh, nhìn và thấy rõ “mọi sự vật như là” và mỗi giây mỗi phút họ đều cầu nguyện cho chúng sanh vô minh quanh họ.
Tu như thế nào để có “cặp mắt thánh” mà Đức Tôn Sư đã chỉ dạy trong bài thơ “Diệu Pháp Quang Minh” (câu 25-28) mà Ngài viết tại Hòa Hảo ngày 10 tháng 4, năm Canh Thìn 1940:
“Cặp mắt Thánh dòm xem tứ hải,
Thương hồng trần mượn xác tái sanh.
Bởi vì đời văn vật cạnh tranh,
Nên cấu xé cùng nhau thảm não…”
Cuối bài thơ Đức Thầy niệm: “Nam Mô Định Tâm Vương Bồ Tát Ma Ha Tát.”
Tu để có “cặp mắt Thánh” không phải do hàng ngày cúng lạy, trường chay, đọc kinh sáng trưa chiều tối, mà là phải chuyển tâm, chuyển tánh, tự vấn, tự sửa để đạt giác ngộ. Và chính giác ngộ mới đạt “tâm không ” tức tâm chân chánh, không thay đổi. Đó là Nguyên Tánh sáng trong.
Đó là chìa khóa mật của Bửu Sơn Kỳ Hương Phật Giáo Hòa Hảo đã đem đến cho chúng sanh trong kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên mà con người gặp nhiều khó khăn, từ đời sống vật chất đến tâm linh. Đời sống xáo trộn, tâm linh hỗn loạn, phân chia nhân ngã. Chỉ có tâm pháp mới như bình nước cam lồ rưới lên ngọn lửa tam muội phừng phừng cháy đỏ cao ngất trời xanh. Sự tranh chấp, hận thù sôi sục của người cùng một quốc gia, lẫn của các quốc gia, chỉ muốn chiếm lĩnh cai trị và đè bẹp nhau hầu thống lĩnh thế giới loài người.
Con người càng muốn thống lĩnh loài người càng trở nên sâu hiểm tàn độc, mất nhân tính. Họ dùng mọi thủ đoạn từ tiền bạc, sức mạnh quân sự, đến khoa học kỹ thuật, đến kỹ năng của truyền thông đại chúng.
Người tu muốn bảo vệ Phật Pháp, cần phải tự bảo vệ trước bao áp lực của ác đạo qua các phương tiện kỹ thuật, hầu không bị ảnh hưởng của ngoại vi, của mọi kỹ thuật tân tiến càng lúc càng dữ dội, muốn cải não loài người thành một chiều, nhằm đạt được mục đích tối hậu là thống lĩnh thế giới thời Hạ Ngươn u tối.
Tu học, bất thối, để nhìn rõ, thấy rõ thấu suốt qua bao đám mây mù, bao cây lá rừng rậm, bao nhiêu ngọn lửa tam muội, bao nhiêu đe dọa của chiến tranh, khói lửa chực chờ bùng cháy.
Hãy khơi lên ngọn lửa Từ Bi. Đó là ngọn lửa khai tâm chuyển tánh mà mỗi hành giả cần chung tay góp sức khơi dậy tình thương yêu nhân loại mà Đức Thầy, Đấng Tôn Sư, đã dạy cho các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo bấy lâu nay.
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô Bửu Sơn Kỳ Hương Phật
Nam Mô Bửu Sơn Kỳ Hương Pháp
Nam Mô Bửu Sơn Kỳ Hương Tăng
Kính lạy Đức Tôn Sư
Con nguyện đem tâm lành kính lạy,
Nguyễn Huỳnh Mai
Sáng Mồng Hai năm Tân Sửu (13-1- 2021)
Gửi ý kiến của bạn