101. CỘNG NGHIỆP DO ĐẠI NGUYỆN VÀ CỘNG NGHIỆP DO NGHIỆP LỰC.

24 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 46072)
101. CỘNG NGHIỆP DO ĐẠI NGUYỆN VÀ CỘNG NGHIỆP DO NGHIỆP LỰC.

 

21-5-2012 – 4 giờ chiều.


Làm thế nào để phân biệt sự cộng nghiệp do nghiệp lực và sự cộng nghiệp do đại nguyện?


Sự cộng nghiệp do đại nguyện là do người muốn xả thân vì đạo, vì bá tánh do tâm thành từ kiếp này sang kiếp khác, mong muốn được hòa mình vào sự đau khổ của bá tánh để chia sẻ, để cùng sống, để cùng hòa với họ, hiểu cái đau, cái khổ, cái khó của họ và từ đó mới tìm cách vượt khổ, tức cùng khổ để vượt khổ chứ không diệt khổ. Đó là tìm con đường để tự giải thoát, không trốn chạy mà phải sống, phải thở trong hoàn cảnh hiện tại.

 

Những vị có đại nguyện cứu đời, những vị Phật tại thế đều có đại nguyện “Ta chịu khổ khổ cho bá tánh”. Đó cũng là lời của Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo.

 

Đức Giáo Chủ đã tự nguyện đến để cùng khổ với dân tộc Việt Nam với đại nguyện đem giáo lý chân truyền của Đức Phật truyền dạy cho thế gian bằng pháp tu dễ hiểu dễ nhớ và giản dị ngõ hầu người ít học, kẻ học cao đều có thể hấp thụ tu tập tiến hóa một cách bình đẳng.

 

Không những giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo giúp con người có trình độ cao thấp khác nhau có thể ngộ đạo một cách bình đẳng, mà còn có thể giúp những người có ý thức hệ khác biệt đều có thể hiểu và nhập tâm được để tu học, thực tập và tiến hóa một cách bình đẳng.

 

Đó là sự cộng nghiệp do đại nguyện của Đức Từ Bi đến kề vai gánh những gánh nặng của thế gian.

 

Còn sự cộng nghiệp do nghiệp lực là do mình tạo ra hay do những người liên hệ như bà con ruột thịt, hay cùng phe nhóm. Có trường hợp do mình muốn gánh nên chọn lựa vào gánh chung với họ. Có rất nhiều lý do cho sự cộng nghiệp này, vì thương, vì tham, vì có mưu đồ trong mọi lãnh vực từ tiền tài vật chất cho đến chánh trị, tâm linh hay quyền lực.

 

Làm thế nào có thể bước ra khỏi cộng nghiệp do nghiệp lực?


Thường thì người bị cộng nghiệp do nghiệp lực ít khi biết là do mình chọn lựa mà thường cứ hút vào đó rồi than thân trách phận, oán trách hay không muốn gỡ ra.

 

Muốn gỡ một nghiệp lực phải tìm hiểu nguyên do của nghiệp lực cho rõ căn nguồn của nó. Trong trường hợp này sự tịnh tâm, quán chiếu và trau sửa, tu học rất cần thiết. Căn nguyên của nghiệp lực rất khó giải nếu ta không sáng suốt và nhất là luôn bị áp lực của hoàn cảnh hay người xung quanh.

 

Muốn giải một nghiệp lực ta cần chân thật, cần nhìn rõ chân tướng của chính mình và cần nhất là có sự quyết tâm giải trừ nghiệp lực của mình mà không bị áp lực từ bên ngoài dù bạn bè, người thân hay xa hơn là cộng đồng, xã hội.

 

Vì sự cộng nghiệp luôn có liên hệ nhiều người nên muốn dứt nó tâm ta phải mạnh, phải cương quyết quyết định cho chính cuộc đời mình.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880