- MUC LUC
- DẪN NHẬP : TỪ TÂM BÁC ÁI CẦN ĐƯỢC LAN TỎA
- CHƯƠNG I : CHÁNH PHÁP TRỞ NÊN ĐẠI PHÁP
- CHƯƠNG II : HÒA CẢM TRONG TÂM LINH HÒA HẢO
- CHƯƠNG III : GIEO ĐẠO KHẮP ĐẠI ĐỒNG
- CHƯƠNG IV : XÂY DỰNG LẠI TÌNH THƯƠNG VÀ TINH THẦN DÂN TỘC VIỆT NAM
- CHƯƠNG V :TƯƠNG LAI TƯƠI SÁNG CỦA ĐẠO hay: QUẢ LÀNH CỦA ĐẠO
- Tác Giả - Tác Phẩm
- Tác Phẩm
Đất nước Việt Nam may mắn được Ơn Trên ban cho Bửu Sơn Kỳ Hương gần 200 năm nay. Dòng họ Nguyễn Hòa ở Long Kiến đã được Đức Phật Thầy trú ngụ tại cuộc đất của dòng họ này ở Cốc Ông Kiến và nay là chùa Tây An Cổ Tự. Ngoại tổ của hành giả đã được ân đức của Đức Phật Thầy chữa bệnh và cho lọn tóc mượn. Ông bà đã thờ bảo vật này tại phủ thờ ở Long Kiến bao nhiêu đời.
Mấy mươi năm nay hành giả được ân huệ thờ tóc của Đức Phật Thầy và Đức Thầy do mẹ chia cho một ít và luôn trân trọng nguyện cầu ngày đêm cho đạo được trường tồn phát triển để hộ trì cho đất nước Việt Nam được bình an hạnh phúc trong mai hậu.
Khi ba hành giả, cố cư sĩ Nguyễn Long Thành Nam, còn sanh tiền, bác sĩ Trần văn Tâm, định cư tại Pháp có gởi qua cho ông những hình ảnh đặc biệt của Đức Thầy và thủ bút một số sấm giảng và thơ văn của Ngài. Thật là một vinh dự cho gia đình. Khoảng thời gian đó cụ Thành Nam đang phỏng vấn những đồng đạo lão thành và thu thập hình ảnh cùng tài liệu để viết quyển lịch sử “Phật Giáo Hòa Hảo Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc”.
Ông Trần văn Tâm là bác sĩ của Đức Thầy khi nhà cầm quyền Pháp buộc Ngài lưu trú tại nhà thương Chợ Quán năm Canh Thìn 1940. Ông đã rất khâm phục về sự tinh thông và mầu nhiệm của Ngài nên đã xin quy y theo Phật Giáo Hòa Hảo.
Khi còn nhỏ hành giả được mẹ dắt đi Sài gòn thăm Đức Bà, thân mẫu của Đức Thầy tại nhà thương Saint Paul khi bà đau nặng. Sau đó lại được vào phòng riêng thăm Đức Bà tại Tổ Đình một lần nữa khi về làng Hòa Hảo tham dự Đại Lễ 18 tháng năm kỷ niệm ngày Đức Thầy Khai Sáng Phật Giáo Hòa Hảo. Đức Bà mất mùng 2 tháng 6 năm 1967 ( nhằm ngày 25 tháng 4 năm Đinh Mùi) tại Tổ Đình. Gia đình cố cư sĩ Thành Nam và bà Hòa An đã để tang Đức Bà như bao nhiêu tín đồ khác.
Khi gia đình hành giả định cư tại Hoa Kỳ sau 1975, bà Nguyễn Hòa An, mẹ hành giả có trao cho hai khăn len vuông của Đức Bà ban cho mẹ hành giả khi xưa làm kỷ vật khi bà là đứa con nuôi của Đức Ông và Đức Bà. Một cơ duyên nữa là trước khi cô Năm Huỳnh Thị Kim Biên, em của Đức Thầy mất, cô có trao cho cô Tư Bê hiện là Trưởng Ban Đại Diện của Tổ Đình, một chiếc nhẫn vàng có đính hai hột huyền cho bà Nguyễn Hòa An. Cô Tư đã gởi qua Hoa Kỳ và trước khi mất, bà Hòa An lại cho hành giả cất giữ lưu niệm kỷ vật của cô Năm Biên.
Khi còn thiếu nữ bà Hòa An và cô Năm Biên là bạn thân. Hai người cùng nhau săn sóc Đức Ông Đức Bà nên được ông bà nhận bà Hòa An làm con gái nuôi và rất thương yêu. Đức Ông hay dạy bà đọc giảng cho đồng đạo đến viếng Tổ Đình nghe.
Năm 2010, vài tháng trước khi qua đời cậu Võ Văn Đắc tức Tặc có gởi qua hành giả một cái mùng do Đức Thầy ban cho cậu ngày xưa và một cuốn album có lưu hình ảnh của Đức Thầy thật cũ. Hai cậu Võ Văn Đắc và Trần Quang Hồng là hai tài xế và cũng là hộ vệ theo săn sóc Đức Thầy ngày xưa. Hai người lo cơm nước và giăng mùng, giặt quần áo cho Ngài. Khi cùng nhau theo Đức Thầy hoạt động chống Pháp ở Sài Gòn, thì bà Hòa An và hai cậu kết nghĩa làm chị em nuôi, nên từ bé lúc ở làng Hòa Hảo hành giả luôn xem hai cậu như ruột thịt trong gia đình.
Hành giả cũng có cơ duyên đặc biệt có được hai mặt dây chuyền có bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương để đeo thường xuyên: một tròn và một hình chữ nhật đứng. Mặt dây chuyền hình tròn có khắc bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương do bà Chín, em ông ngoại đã cho bà Hòa An mẹ hành giả đeo từ nhỏ. Bà làm ra nhiều mặt dây chuyền cho các con cùng đeo hằng ngày.
Riêng, mặt dây chuyền hình chữ nhật đứng làm theo dạng lòng phái của Đức Phật Thầy, có lịch sử liên hệ đến Đức Huỳnh Giáo Chủ. Lúc ở Bạc Liêu Đức Thầy đã ban cho đại đệ tử của Ngài là ông hội đồng Chung Bá Khánh bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương viết theo lối giản thể (bớt nét). Ông bà đã khắc bốn chữ này lên mặt mặt dây chuyền vàng. Ông mất, bà đã trao cho con gái là Chung Tố Lan cất giữ. Khi qua Hoa Kỳ, chúng tôi có dịp mượn mẫu dây chuyền này để làm theo vì con gái bà là bạn thân thiết của hành giả từ khi còn đi học, tên là Cao Tú Linh.
Thế mới biết là hành giả đã có duyên làm đệ tử Đức Phật Thầy và Đức Thầy từ xa xưa trước khi ra đời quy y học đạo.
Gửi ý kiến của bạn