37.- MẦU NHIỆM CỦA SỰ SỐNG

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 75567)
37.- MẦU NHIỆM CỦA SỰ SỐNG

Hành Xử Đúng

Trong cuộc đời hành xử khó nhất là hành xử đúng. Hành xử đúng là hành xử như thế nào?

Là hành xử không tốt mà không xấu.

Khi làm bất cứ điều gì mà ta cho là tốt là ta làm cho cái Tôi, cái tự ti mặc cảm của ta muốn cho người khác nghĩ ta tốt, ta rộng lượng. Khi làm điều gì ta cho là tốt là ta nghĩ đến cái Ta để làm.

Khi làm việc gì ta cho là xấu thì ta vì cái ta ích kỷ, vì lòng đố k nhỏ nhen của ta. Ta làm để thỏa mãn tự ái hay lòng thù hận cá nhân. Có lúc, đó cũng là một hành động trả thù.

Vậy khi ta làm Tốt hay làm Xấu đều có thể đưa ta đến thất vọng, buồn bực sầu não vì nó đem lại hậu quả trái với ý ta mong muốn.

Muốn hành xử đúng thì đứng trước việc gì phải buông bỏ cái Ta. Cái Ta rộng lượng lẫn cái Ta ích kỷ. Và cần nhất là không mong kết quả cho chính Ta. Vì mong kết quả là ta không sống và hành xử trong giây phút hiện tại và óc tính toán, suy luận đã kềm chế ta, che mờ sự sáng suốt, không những đã làm cho Ta Bất Định mà còn làm cho toàn thể con người ta bị giao động mãnh liệt và các giác quan được dịp quấy rối hoành hành ta. Khi đã để cho các giác quan làm chủ con người ta thì cái thấy của ta mất. Cái thấy, cái định mất thì mọi hành xử của ta đều bị sai khiến bởi sự xúc động và tình cảm của ta. Các hành động, lời nói, tư tưởng được phát xuất từ sự xúc động và tình cảm đều đưa đến sai lầm đổ vỡ, rối loạn.

Đứng trước một hoàn cảnh xung đột giữa hai phe cũng thế. Cái ta phải mất. Nếu cái ta hiện hữu ta sẽ ở bên này hoặc bên kia. Và khi ta thiên bên này hoặc bên kia, ta sẽ không thấy cái Đúng cái Sai nằm ở chỗ nào. Khi không thấy cái đúng cái sai nằm ở chỗ nào ta sẽ không giải quyết được và khi không giải quyết được ta sẽ bị đau khổ.

Hãy Chấp Nhận

Tâm ta chỉ an nhiên tự tại khi nào ta chấp nhận việc ta làm lẫn hậu quả của nó. Chấp nhận việc tốt lẫn việc xấu xảy đến cho ta. Ca ngợi và phiền trách, thương và ghét, vui và giận cùng một thể. Việc tốt đến không mừng, việc xấu đến không thất vọng. Việc gì đã quyết định nên làm là làm không tiếc rẻ, không sợ phê phán tốt, xấu lẫn phiền trách.

Khi tâm ta phẳng lặng nhưng cơ thể mệt mỏi vì xác thân còn chưa đi kịp với thần trí. Xác thân mang ngũ uẩn của sáu giác quan vẫn còn bị ảnh hưởng của trí đời. Đó là vì thần trí chưa hoàn toàn mạnh mẽ. Khi thần trí ta mạnh mẽ ổn định, sự sáng suốt, cái thấy hiện hữu luôn luôn. Khi cái thấy, cái ánh sáng ở độ cực mạnh thì không có bóng tối nào khỏa lấp hay có thể hạ độ sáng được.

Khi tâm ta yên, tâm ta vững như bàn thạch, tiểu vũ trụ yên thì đại vũ trụ yên dù cho ngũ hành có dấy động, thì rồi cũng được sắp xếp theo thứ tự. Nếu tâm ta không yên, ngũ hành sẽ quật ngã ta.

Mọi việc xảy ra quanh ta càng động càng giúp cho ta soi sáng tâm thức ta như một tấm gương. Hãy tiếp nhận giai đoạn này như một đặc ân mà ơn trên ban cho để thử thách trình độ ta học. Không có người ta sẽ không thấy ta vì khi không thấy ta ta sẽ không học. Càng thấy khuyết điểm của ta ta càng tiến vì có thấy khuyết điểm mới biết nó để chuyển những khuyết điểm thành sức mạnh để phục hồi cho tâm linh càng mạnh mẽ.

Ta không thể hiểu con người trong sự sung sướng. Những đấng cứu đời không ai phát xuất tư tưởng cứu đời bằng hạnh phúc giàu sang nhung lụa mà phát xuất từ nước mắt, bệnh hoạn, nhọc nhằn đau khổ. Sự mạnh mẽ, xuất thần chỉ phát xuất từ tận cùng chiều sâu của đau khổ tinh thần hay thể xác. Sự tột cùng của đau khổ mới phát xuất sự tĩnh tâm, giác ngộ. Hạnh phúc hay giàu sang vui sướng chỉ là những đám mây mù che phủ con người trần tục của mình.

Con người đã giác ngộ phải nhận chân được hạnh phúc vĩnh cửu và toàn diện ở đâu, chân lý ở đâu, toàn thiện, toàn mỹ ở đâu? Tại sao ta bị xáo trộn tâm linh? Khi đã ngộ lý chân không chỉ có ánh sáng và cái thức và con đường đi với cái thức đó trong mỗi giây mỗi phút cùng với hơi thở là sự sống. Cái thức và sự sống là sự bất diệt, nó triệt ngã mọi chướng ngại của tâm linh lẫn nhục thể.

Chấm Dứt

Cái muốn lúc nào cũng đi đôi với cái khổ. Trong mỗi hoàn cảnh và thời gian ta phải sáng suốt để nhìn thấy ta làm gì trong cảnh đó, thời đó chớ không phải tìm cách đổi hoàn cảnh và thời điểm. Vì muốn đổi muốn giải quyết là cái trí đứng ra suy nghĩ, lập luận, tính hơn, tính thua tính lợi tính hại, tính tốt tính xấu. Tất cả những tính toán, suy luận sẽ đưa ta đến cơn hỏa mù không lối thoát. Ta sẽ cảm thấy lo âu sợ hãi việc xảy ra sẽ không như ý mình, sẽ gây khó khăn, bất lợi cho chính mình.

Người tu học phải chấp nhận mọi hoàn cảnh sống. Biết du di trong mọi cảnh mọi thời gian và học hỏi trong mỗi giây phút mỗi cảnh ngộ.

Tất cả các pháp tu đều nằm trong mỗi hơi thở để ta thực hành. Sự vận chuyển của vũ trụ vô cùng linh động, các pháp tu đều phải được thực hành theo sự vận chuyển đó. Mỗi sự lập luận, lý luận là sự dừng chân đứng lại trước sự vận chuyển đó. Trí óc ta làm việc kềm giữ ta lại, ta dậm chân tại chỗ trước mọi biến chuyển thiên hình vạn trạng của vũ trụ, của cơ trời. Ta phải thoát ra khỏi sự kềm giữ đó để tiếp nhận mọi thiên linh vạn biến của vũ trụ, của những gì mắt trần, tai trần không nghe không thấy được. Ta đã sống mà không sống, ta đã thoát mà không thoát, ta đã đến mà không đến, ta có đó mà không có. Ta là ta của trần gian mà ta là thiên hình vạn trạng. Ta phải hiểu cái thiên hình vạn trạng của cái ta để chấm dứt mọi sợ hãi, mọi nghi vấn, mọi phán đoán, mọi thành kiến cho chính ta và khi đó ta cũng chấm dứt mọi phán đoán và thành kiến cho chính người.

Mọi đau khổ đến đều do sự chống của chính ta đối với mọi hoàn cảnh và thời gian vì tất cả mọi việc đến hay sẽ đến đều khác với những gì ta muốn. Hãy chấm dứt mọi ước muốn và tưởng tượng ta sẽ thấy sự mầu nhiệm của sự sống, sự cấu kết hòa quang giữa con người và vũ trụ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880