53.- TA KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI MÀ TA MUỐN TRỞ THÀNH

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 74639)
53.- TA KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI MÀ TA MUỐN TRỞ THÀNH

Viết Từ Sự Trống Không

Ta thử cầm cây viết để ghi lại những gì xảy ra khi thân tâm ta yên tịnh.

Ta thật ngạc nhiên về chính ta. Ta thật là trống rỗng. Ta nhìn sự vật chung quanh với sự hiện diện của nó. Tất cả mọi việc xảy ra quanh ta đều tiến triển như mọi ngày, chỉ khác là nó không ảnh hưởng đến ta. Không mang đến cho ta âu lo hay sợ hãi. Ta biết rằng chính ta đã đánh mất rất nhiều những giây phút quý giá này.

Lấy nội tâm trống rỗng này để đối chiếu với những sự việc đã qua ta mới thấy có quá nhiều điều trong cuộc đời đã xảy ra do sự động loạn của nội tâm mà gây ra. Từ chuyện này liên kết đến chuyện kia. Từ sự buồn phiền này nếu không biết tự giải, nó lại tạo ra sự buồn phiền khác. Nó dứt được bất cứ lúc nào nếu ta mang tâm trạng trống rỗng như hiện tại và nó tiếp tục tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác và kiếp này qua kiếp khác nếu ta loạn động không biết ta là ai và chưa gặp cái ta thật sự.

Vạn vật thật đẹp đẽ sáng tỏ từ chiếc lá rung rinh phất phơ trước ngọn gió. Từ ánh sáng mặt trời chiếu sáng, trên những mái nhà, chòm cây, xe cộ, đường xá và vạn vật. Âm thanh xào xạc của các nhánh cây, tiếng máy bay, xe chạy, chim kêu. Mọi âm thanh, hình ảnh, mọi di động... mọi sự sống đều bừng sáng, bình an tự tại. Sự động loạn phải chăng chỉ có ở nội tâm của mỗi người. Mọi cảnh vật đời sống đều bình an nếu nội tâm mỗi người đều bình an. Sự loạn tâm của nhiều nội tâm sẽ xoay chuyển mọi cảnh vật, mọi đời sống. Nhiều đời sống hỗn loạn gây ra quốc gia hỗn loạn và thế giới đi đến hỗn loạn.

Làm sao để thế giới hết hỗn loạn?

Thế giới hỗn loạn, quốc gia với quốc gia tranh chấp, thù nghịch, chiến tranh vì nội tâm của con người hỗn loạn, chống báng nhau, thù ghét nhau, tị hiềm nhau. Chiến tranh không thể kết thúc bằng bạo lực, súng ống, uy quyền hay tiền bạc mà chiến tranh chỉ có thể kết thúc bằng nụ hoa tình thương. Vì chiến tranh chỉ chồng chất thêm hận thù và hận thù chỉ thêm lớn theo cấp số nhân. Hận thù chỉ đưa con người đi đến nạn diệt vong vì đói khổ, thương thích, tàn phá, bệnh tật.

Thế giới sẽ đi đến diệt vong nếu tình thương không nở hoa ở mọi trái tim.

Tình thương không nở hoa nếu con người không biết trở về với nội tâm an tịnh của mình để gặp gỡ mình và để gặp gỡ nhau để cùng trải rộng tình thương dưới ánh mặt trời với sự sống của muôn loài vạn vật.

Khi nội tâm an tịnh, hoa tình thương chớm nở ta mới nhận thấy cái đẹp của chiếc lá, của ánh nắng, biết sung sướng trong từng cơn gió thoảng. Khi tình thương nở hoa ta mới nhận chân được cái đẹp của những nụ cười, ánh mắt, sự tương giao giữa người với người. Khi tình thương nở hoa lòng dị biệt, sân hận tự nhiên lắng chìm, mọi sự đẹp đẽ, thương yêu chớm nở, trải rộng, lan rộng giữa người và người, quốc gia và quốc gia.

Tình thương là viên thuốc nhiệm mầu để đem lại an lạc cho mọi quê hương, mọi con người trên mặt đất này.

Kẻ đáng sợ là Mình chứ không phải là Người

Ta có những cảm quan và giác quan cùng những bản tánh hỉ nộ, ái ố tham sân si như người, thì tại sao ta lại sợ người?

Phải chăng ta cho ta hiền còn người dữ hay ta tốt người xấu? Hay ngược lại?

Chính ta, ta có khả năng để cho mọi bản tính đó phát triển tột độ thì tại sao ta lại không sợ ta? Tại sao ta không sợ rằng ta không biết tự kềm chế mình hay tự gạt mình để những bản tính ấy đưa cuộc đời ta vào một con đường không định hướng?

Mọi thành công hay thất bại đều do chính ta làm. Không ai gạt gẫm ta được nếu ta không tự gạt gẫm ta. Không ai sai khiến ta được, dọa dẫm ta được nếu ta không cho phép hay tạo điều kiện cho họ sai khiến hay dọa dẫm ta.

Vậy thì điều gì khiến cho ta sợ hãi?

Có phải chính ta đã tự nhìn thấy rằng mình đã có những suy nghĩ, việc làm và lời nói không đúng? Hay ta đang tạo cho ta một bộ mặt đẹp đẽ mà núp sau bộ mặt đó là một kẻ mà ta muốn che dấu. Vậy phải chăng ta đang sợ người biết được hoặc sẽ lột bộ mặt thật của ta?

Phải chăng ta sợ bộ mặt thật sẽ đảo lộn giá trị hiện có của ta và ta lo sợ sẽ đánh mất cái giá trị giả đó của người cho ta.

Vậy sự sợ hãi nếu có chỉ bắt nguồn từ cái tôi hèn nhát tự lừa đảo chính mình. Thì cái ta đó mới đúng là kẻ thù mà ta phải kinh sợ.

Ta kinh sợ nó vì nó chính là kẻ khiến cho ta sống trong hoang mang sợ hãi, âu lo không biết được nguy cơ sẽ đến với ta trong lúc nào.

Tất cả những giá trị mà ta phải dày công bồi đắp, ngụy tạo, tô son trét phấn trong một phút bất ngờ nào đó sẽ bị đảo lộn, sẽ bị tan vỡ, sẽ bay đi như đám sương mờ.

Để giải quyết và chấm dứt những hoang mang sợ hãi, ta phải trực diện với kẻ thù đáng sợ đó. Ta phải trực diện với chính ta để chấm dứt những trò ảo thuật mà "hắn" đã lén lút làm khi ta quên hay ta giả đò quên ta hay ta đã "lén ta" ngầm cho phép.

Ta không thể nào ngừng sự buồn, lo, sợ hãi, hoang mang, bất an của đời sống nếu không tìm ra "thủ phạm" đã tạo ra những đầu dây mối nhợ đó.

Giá Trị Đích Thực

Sự suy nghĩ, phán xét, thắc mắc về chính ta sẽ chấm dứt nếu ta nhận chân được ta không phải là người mà ta muốn trở thành.

Ta sẽ không còn tự tâng bốc hay thất vọng về ta nếu ta nhìn quanh ta ở mỗi người đều có ta trong đó. Ở mỗi người có những trạng thái gì ta đều có, hoặc sẽ có những trạng thái đó.

Mọi cơ quan, giác quan, và mọi trạng thái của con người là để giúp cho con người sinh tồn và tự tồn. Con người phải sáng suốt để dùng nó mà học hỏi phát triển tâm linh của mình để cho đời sống của mình lẫn người quanh mình đi đến sự hạnh phúc an lạc.

Con đường đưa đến sự an lạc của chính ta và những người chung quanh không thể có được nếu ta không nhận chân được giá trị đích thực của chính mình, vai trò thật của mình đối với mình, đối với gia đình, xã hội và quốc gia mình. Phải nhìn thật sự ta có khả năng gì? Giới hạn của ta tới đâu? Sự đóng góp đến mức độ nào? Ta đã làm được việc gì trong tương lai? Chỗ đứng của ta ở đâu? Và quan trọng là người quanh ta định khả năng và nhân cách của ta như thế nào?

Ta nhìn ta và thấy ta chưa đủ mà ta phải có cái nhìn của người bên ngoài nhìn ta. Ta đừng định giá ta theo sự tưởng tượng hay ảo tưởng của chính mình mà ta cũng đừng tưởng tượng ra những gì mà người khác suy nghĩ về mình theo ý riêng.

Ta phải nhìn, thấy, nghe cho rõ các bộ mặt thật của ta và tiếng nói chân thật tự trái tim. Khi bên trong thật, ta nhìn ra những sự thật đang xảy ra xung quanh. Khi sống với ảo tưởng thì ta sẽ phối hợp ảo tưởng của mình với tất cả những ảo tưởng của những kẻ cùng múa rối quanh ta.

Khi ta thật ta sẽ gặp kẻ thật. Khi ta giả ta sẽ gặp kẻ giả. Người ham danh sẽ hợp với kẻ ham danh. Ta ham tiền sẽ có người đem tiền nhữ ta. Tóm lại chính ta là kẻ đã gạt ta và nếu thất bại thì chính ta đã đưa ta vào con đường thất bại.

Mọi con tim chân thật, dù ở xa hay gần, dù ở hoàn cảnh cách biệt hay ngôn ngữ dị biệt rồi cũng sẽ gặp nhau vì họ cùng thật như nhau. Cái giả khó nhận được hơn cái thật vì cái giả đội nhiều màn lớp, nhiều danh từ, nhiều trạng thái. Cái thật dễ nhận vì nó chỉ có một bộ mặt, một vai tuồng và một trạng thái.

Nếu thật sự yêu quê hương thì chúng ta sẽ thật sự nghĩ gì, làm gì để cùng nhau quên mọi chủ nghĩa, dị biệt và thù nghịch để phục vụ cho đất nước dân tộc mình. Sự tồn vong của đất nước quan trọng hay sự tranh chấp ăn thua quan trọng? Sự xây dựng cho thế hệ thanh niên tương lai quan trọng hay sự tranh chấp bằng đạn dược vũ khí đưa đến sự diệt vong, đói khổ quan trọng?

Bao nhiêu anh linh của chiến sĩ, của hồn thiêng sông núi, bao nhiêu linh hồn dật dờ ngoài biển cả liệu có thứ tha cho những kẻ chỉ mưu đồ đưa đất nước Việt Nam đi đến họa diệt vong?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880