- Lời giới thiệu của Giáo Sư Phạm Công Thiện
- Con Đường Văn Hóa - Nguyễn Huỳnh Mai
- CHƯƠNG I - TÌNH NGƯỜI
- CHƯƠNG II - TRÍ VÀ TÂM
- CHƯƠNG III - HÃY GIẢI THOÁT CON NGƯỜI RA KHỎI SỰ NÔ LỆ CỦA CHÍNH MÌNH
- CHƯƠNG IV - ĐỜI VÀ ĐẠO LÀ MỘT
- CHƯƠNG V: TU NHÂN HỌC PHẬT
- CHƯƠNG VI - HỒN THIÊNG DÂN TỘC
- CHƯƠNG VII - TIẾNG NÓI TỪ TRÁI TIM
Sự trống không
Mình sẽ viết những gì khi không cảm thấy muốn viết hay thèm viết? Ta có thể viết về sự trống không được không?
Viết về sự trống không? Mình chưa bao giờ viết về sự trống không hết. Khi viết về sự trống không sẽ thấy tất cả sự vô lý, điên rồ của loài người, chỉ chạy theo ảo tưởng, ảo vọng, ảo giác. Buồn những cái không đáng buồn, vui những cái không đáng vui, không biết tự làm chủ lấy mình.
Sự trống không là ánh sáng, là chân lý của vũ trụ mà mỗi khi bắt gặp nó con người lại tuởng đó là sự cô đơn lại cảm thấy sợ hãi nó mà mau mau quay trở lại sự cuồng loạn của con người. Khi ta đối diện với sự trống không là ta đối diện với cái thật vì vậy con người muốn tránh né nó để chỉ đi tìm cái giả, tức quay trở ngược lại với con người giả của mình với tất cả sự tạm bợ và chạy đua mọi cách để tạo ra nó, ôm nó, tìm nó và khổ vì nó.
Tại sao khi đối diện với sự trống không, với sự thật con người thay vì sung sướng, hạnh phúc mà lại đau khổ?
Chỉ vì con người chưa nhận chân được đâu là thật và đâu là giả. Thấy giả tưởng thật, thấy thật tưởng giả. Thấy sướng tưởng khổ thấy khổ tưởng sướng. Khi nhận chân được sự thật, sự tuyệt diệu, tuyệt vời của sự trống không ta sẽ vượt được đau khổ, đạt đến sự quân bình thì trong mọi nghịch cảnh hay là thuận cảnh ta đều có thể sống một cách nhẹ nhàng, thoải mái, không có cảm tưởng lúc sướng, lúc khổ, lúc vui, lúc buồn, lúc thuận, lúc nghịch.
Ta luôn luôn phải lắng nghe sự thật, nhìn ngắm sự thật để sống, để thở điều hòa, để tâm hồn lặng yên.
Khổ là gì? Sướng là gì? Chỉ là sự chuyển động của tâm thức qua từng hồi theo sự ta quên ta. Vậy ta luôn luôn nên nhớ ta sống trọn vẹn với ta trong mỗi giây phút thức giác.
Khi sống trọn vẹn với chính ta, biết ta là ta trong mỗi giây khắc là ta sống trong sự giải thoát. Giải thoát khỏi sự gò bó của con người lẫn của bản thân mình. Ta hoàn toàn tự do. Tự do đối với thể xác lẫn tâm hồn. Tự do đối với các tiền kiếp lẫn kiếp hiện tại. Ta nắm lấy con đường mình đi không còn sợ hãi.
Sự cảm thông
Tâm ta chỉ định khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý ta không chao động khi tiếp xúc với bên ngoài. Đó là ý nghĩa của thân tâm yên tịnh. Mắt nhìn mọi vật mọi cảnh đều như nhau. Tai nghe mọi lời nói, âm thanh như nhau, ăn uống va chạm tiếp xúc, mùi vị đều không gây phản ứng.
Khi đạt được trình độ trên ta sẽ ở trình độ gọi là tuyệt luân. Ta sẽ đạt được sự an lạc vĩnh cửu.
Người ở trình độ này khó có ai nhìn mà biết được vì họ sống luôn luôn thường trực trong cốt tủy của họ. Vì họ sống rất bình thường như mọi người và vì họ không còn trong thời gian tập luyện nữa. Người còn ở trong thời gian tập luyện thì bên trong đạt trình độ nào thì bên ngoài phải tập theo. Khi đạt trình độ tuyệt luân, sống yên lặng trong não cốt, bất cứ hành động nào của họ, họ cũng thế, bất cứ ở cảnh nào dù tịnh dù động họ cũng vững như bàn thạch mà không cần phải dùng một tư cách hay hành động nào để tự kềm chế. Lúc đó cái noãn của họ đã bắt đầu vững mạnh. Cái noãn bắt đầu sáng để soi đường cho họ luôn luôn. Họ bắt đầu có thể thấy người khác.
Ở trình độ này họ không còn nhìn con người chủ quan với thành kiến mà họ nhìn mỗi người với sự hiểu biết từ con người, hoàn cảnh và các trạng thái của người đó cùng với tất cả lý do đưa người đó đến tình trạng hiện tại. Đó là cái nhìn của bậc chân tu đối với con người và họ luôn luôn có sự bao dung đối với người đó. Đó là ý nghĩa biết ta biết người.
Hiểu được các điều trên ta sẽ không còn bị chao động hay thất vọng khi ta muốn giúp một người nào thấy một vấn đề mà họ không thể thấy, không thể hiểu được. Không thể hiểu được là vì trình độ tu học của họ chỉ đến mức đó. Ta vẫn phải luôn luôn hành xử theo chân tâm, dù có khó khăn vẫn phải tiếp tục vì tâm ta không xáo trộn mọi việc sẽ được sắp xếp nhịp nhàng theo sự quân bình của ta. Dần dần mọi người sẽ thấy, có thể chậm, hay mau, nhưng luôn luôn đạt đến kết quả.
Ta chiến thắng ta
Kể từ đây ta sẽ nghĩ nhiều hơn đến chân trời mở rộng trước mắt ta. Ta đã thức nhưng tại sao thỉnh thoảng ta vẫn ngủ quên, tự xô đẩy ta vào những vòm trời u ám xám xịt đầy những giận hờn buồn phiền, đầy những hỉ, nộ, ái, ố, những vùng kỷ niệm u uất đau buồn. Tất cả những u ám chỉ là những đám mây trôi qua và không quay trở lại. Sự thức giác phải là sự bừng sáng chan hòa chứ không phải là sự chớp tắt trong đôi phút.
Sự trở đi trở lại nếu có là vì ta ươn hèn, yếu đuối, nhỏ nhen, hạn hẹp. Hãy để cho tâm hồn đầy từ ái mở rộng trong ta, phủ đầy ta, chói lòa không bị khuất phục.
Sợi chỉ mong manh ngăn chận sự hạn hẹp và lòng từ ái từ đây sẽ trở thành bức tường thành vững mạnh ngăn cản không cho sự hạn hẹp lan tràn phá hủy. Nó phải là bức tường thành kiên cố, nó phải như sắt, đá, không thiêu hủy phá vỡ được.
Ta phải thật sự chiến thắng ta, thắng cái ngã hạn hẹp của ta để từ đây hai tay ta ôm cả một chân trời mới. Chân trời mới chỉ có sự bác ái và sáng tạo, sự quân bình, chân như, sự yêu thương tràn trề như sóng biển mãi mãi không ngưng.