6-11-07 - 9:30 giờ sáng
Phải chăng Nghiệp là một đề tài khó nhất trong tiến trình tu học?
Như thế nào là nghiệp dầy, nghiệp mỏng? Nghiệp khó dứt, dễ dứt?
Như thế nào là trả nghiệp, dứt nghiệp, giải nghiệp?
Ai mới đủ khả năng để làm ba điều trên? Có phải là con người sanh ra đời phải đối phó trực tiếp với vấn đề trên nếu không trốn nghiệp? Nghiệp có trốn được không?
Thế nào là nghiệp dữ, nghiệp hiền? Trong vấn đề này có thể đưa đề tài hữu và vô để giải quyết không? Tâm không có thể giúp ích gì không?
Phải chăng cái nợ là do tâm mình gắn bó với âm thanh sắc tướng, nên đưa đến nghiệp khổ? Hay là tự gánh nghiệp vào mình tức tạo nghiệp cho chính mình?
Mắt tai mũi lưỡi thân ý phải vững.
Tâm thân ý phải vững.
Như thế thần thức mới vững. Khi đó không có điều gì xảy đến hay đưa đến cho ta mà có thể tạo thành sự xúc động, xúc cảm mà người đời còn gọi là “thường tình” được. Ta cũng không trở nên “vô tình” tức lạnh nhạt vô cảm đối với cái khổ, cái thương đau của người khác mà ta hiểu, ta biết nhưng ta không “gánh.” Tức mọi việc, mọi hoàn cảnh của người liên hệ lẫn người không liên hệ từ lời nói, việc làm của họ dù nặng, dù nhẹ cũng không tác động vào tâm thân ý ta. Thần thức ta luôn vững vàng thì ta chỉ biết, hiểu, nhưng không nhận, tức không bị nhập tâm. Chỉ khi bị nhập tâm mới tạo tác được tâm thân ý hay thần thức của ta.
Tâm thân ý càng ngày càng yên, càng chững chạc, càng định, thì ta như một tâm điểm (target) mà các mũi tên đời bắn vào đều không dính, dù cho bắn trúng cũng phải rớt rơi lã chã xuống đất.
Khi tên bắn không đúng thì tim ta không đau, và nhờ thế cái bắn tứ phía đều không nhập tâm ta được.
Vì thế người thân, kẻ quen, người lạ là họ, mà ta là ta.
Cũng nhờ ta không bị nhập tâm, nên tâm vẫn sáng, vẫn vững vàng, để quyết định việc gì ta cần làm, ai ta cần giúp, trường hợp nào ta cần giải quyết và việc gì không cần nhúng tay.
Nếu tu tập mà còn bị đời quay như chong chóng thì ta nên trở lại từ đầu, vì bước đường tu ta chưa vững dù cho tu tại gia hay xuất gia, ở nhà hay ở tu viện, chùa chiền.
Vấn đề muốn trả nghiệp, giải nghiệp hay dứt nghiệp được hay không là tùy thuộc vào tâm thức ta có sáng suốt hay không. Nếu không khi ta tưởng trả mà ta vay, ta tưởng giải mà hóa ra cột thêm, hay muốn dứt mà thành tạo thêm nhiều hơn.
Có nhiều người đã dứt nghiệp được với người dù cho họ có ở cạnh bên. Có người vẫn chưa dứt dù ở cách xa nửa vòng trái đất, hay vẫn chưa dứt được dù cho với người đã chết.
Có nhiều người vui mừng ly gia cắt ái vào tu viện, trở nên tu sĩ và tưởng mình dứt nghiệp. Nhưng họ không ngờ càng tu càng thấy rõ những cái nghiệp do mình tạo ra, và khi biết là mình chưa tròn bổn phận mà lại trốn nghiệp, họ lại trở nên một người bị dày vò đau khổ và cuộc sống tu hành của họ trở nên một đời sống ngục tù. Họ càng sám hối thì Tâm Nghiệp của họ càng nặng nề khó gỡ, và cũng không có cách gỡ được, vì đọc kinh để hiểu rõ nguyên lý của trời đất, để sống đúng với một con người muốn đạt chân lý phải làm gì, chứ không phải đọc kinh để hết tội, giải nghiệp.
Đọc kinh không phải để dứt hết tội, giải nghiệp.
Gửi ý kiến của bạn