28-1-08 - 9:30 giờ sáng
Con đường nào là con đường đúng nhất mà ta phải luôn cố gắng thức tỉnh, nhẫn nhục để đi. Cố gắng không đủ, nhẫn nhịn không đủ, kiên nhẫn không đủ, mà “phải quên mình”, quên cái ngã nhỏ bé để nghĩ đến cái “đại ngã”, cái thế giới đại đồng.
Con đường phục vụ quên mình. Phải nghĩ rằng ta sống sao cho có lợi cho quần sanh để khi trút hơi thở cuối cùng ta để lại một cái gì giúp ích cho thế giới đại đồng. Cái gì đó phải là của chung, không phải của Việt Nam, của NHM, của Phật Giáo Hòa Hảo, mà của nhân loại.
Vậy thì cái gì giúp cho nhân loại, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, màu da, ngôn ngữ. Phải chăng là Thiên Ngữ, tiếng nói của tình yêu đại đồng. Đó là những tư tưởng từ ái, xây dựng. Xây dựng một thế giới tình thương mà Đức Thầy cũng như bao nhiêu Đấng Cứu Thế đã ra đời dạy dỗ nhân loại.
Muốn viết, muốn nói được Thiên ngữ thiêng liêng đại đồng ta phải làm sao?
Ta phải vượt âm thanh sắc tướng, phải quên ta vượt hỉ nộ ái ố, thất tình lục dục. Ta không còn tập để vượt mà ta phải vượt thị phi của người và thị phi chính trong não óc của ta. Ta phải nghe như không nghe, dù cho lời nói hành động có xúc phạm ta, dù là lời phỉ báng chụp mũ.
Ta đã vượt sao ta lại vướng? Phải chăng ta quên? Hay ta vẫn còn sót lại những cặn bã của thú tính con người. Vẫn còn muốn nghe lời dịu ngọt, êm tai, khen tặng? Thế thì ta đã dậm chân tại chỗ rồi chăng?
Khi còn vướng âm thanh sắc tướng thì sự suy nghĩ, đưa ra lời nói, âm thanh, hành động chưa từ ái, tức chưa đạt Thiên ngữ.
Thiên ngữ là lời nói, câu viết không đưa ra vì phản ứng dồn nén hay nhất thời. Không có trả, không có đáp, không có lý luận, không có trả đũa, đối đáp, biện luận.
Thiên ngữ chỉ phát ra do tâm từ bi, tình thương dào dạt, dù chỉ nhằm hữu lợi cho tha nhân.
Thiên ngữ hay là Từ Bi ngữ mới có ích cho việc xây dựng một thế giới đại đồng.
Chỉ có Thiên ngữ hay Từ Bi ngữ mới kiến tạo được một thế giới vắng bóng chiến tranh và hận thù.