16-5-07 - 9:00 giờ sáng
Muốn có trí tuệ thì tâm thân ý ở thể định, hợp nhất. Nhưng muốn ngọn đèn không bị chớp tắt lúc tối lúc sáng thì phải ở thể Định mà không Định.
Khi ta ở thể Định rồi thì đi đến Đại Định, đó là chiều cao nhất để đạt trí tuệ. Nhưng vẫn còn một chiều cao, tức cán cân vẫn bị lệch, và ta vẫn là con người gồm Tâm Thân Trí, vì vậy vẫn sẽ chịu ảnh hưởng của trần thế, của đất nước lửa gió, vân vân... Và thân ta vẫn còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết, dưỡng sinh, thời sự.
Vậy muốn không bị ảnh hưởng của sự liên hệ không tránh được, ta phải hành Trung Định. Tức ở thể quân bình. Thân tâm và trí ta sẽ không còn bị công phá bởi hữu và vô, có và không.
Ở thể Trung Định ta có thể sống nhịp nhàng hơn vì ta có thể hóa giải và hòa giải ngay tức khắc mà không cần một tiến trình điều chỉnh của sự lôi kéo của động loạn để trở về giới định. Như vậy thì cái định của ta không còn bị kềm hãm và ta không phải đối phó và không còn phải làm một hàng rào chắn ngang những đả kích của cuộc sống trong đó có tình cảm, thời sự, và chánh trị, vân vân...
Một hột giống khi bị liệng vào ta, ta không cần phải đưa tay ra đỡ hay vứt ra mà hột giống sẽ một là rớt vào khoảng không, hai là tự tan ra và biến mất.
Có như thế ta mới không bị trói buộc vào Định hay Đại Định. Ta không phải hành Định mà Định này nằm ỡ giữa không có và không không nên không tạo một phản ứng của não trạng.
Khi ta ở thể Trung Định thì ta có thể đến, đi ở bất cứ vị trí nào, hoàn cảnh nào cũng không bị chống hay hợp, mà ta ở thể Hòa vào mọi người và mọi nơi dù là khác lý tưởng, khác tôn giáo, khác chánh kiến, khác tư tưởng lẫn ý thức hệ.
Trung Định khác với ba phải. Ba phải tức ai nói gì ta cũng nghe cũng đúng, và lúc ta thấy nhóm này đúng, lúc ta thấy nhóm khác đúng.
Trung Định là hiểu ngọn ngành và hòa vào tâm thức của mỗi người mỗi nhóm. Trong đó ta không có chống lẫn không có theo mà ta hiểu một cách không chủ quan.
Ta sẽ không bao giờ đưa ra bất cứ một giải pháp nào hay giúp được bất cứ ai, dù là đạo của mình hay quốc gia mình, nếu ta không ở thể Trung Định, tức hành Trung Đạo.
Gửi ý kiến của bạn