27-8-07 - 9:00 giờ sáng
Đạo học phải chăng là một tiến trình phát triển giải phóng tâm linh, hay còn được gọi là Tâm linh học?
Vậy phải chăng Đạo học là học về con người với tất cả tâm sinh lý của nó.
Ta quán chiếu về con người để tìm hiểu xem sự hiện diện của con người trên mặt đất này để làm gì. Sự phối hợp giữa tâm thân ý như thế nào để tiến đến giác ngộ, tức tiến hóa về mặt tâm linh để có thể phối hợp và phù hợp với trời đất (thiên địa).
Đạo học có liên hệ gì với Thông thiên học hay Đạo học là Thông thiên học, vì Đạo học là học về con người để có khả năng tiến hóa về mặt tâm linh ngõ hầu vượt được phàm tánh hay nhân tánh của mình để tiến hóa đến trình độ thiên tánh, và cũng phải tiếp tục học để tiến tới thông suốt về thiên tánh của mình.
Thông thiên học là học về thiên tánh. Vậy thì học về lục giác để tiến tới lục thông. Muốn giữ ở lục thông ta phải học về Thiên Thông. Ở thể lục thông vẫn còn nhiễm trần nếu không học về thiên tánh để tiến tới thiên thông thì ta dễ dàng trở đi trở lại với phàm tánh một cách dễ dàng.
Khi tiến tới lục thông ta phải buông lục thông và không trụ vào lục thông. Nếu trụ vào lục thông một là sẽ ngã mạn, hai là trì trệ. Nhiều người tu tập, tiến hóa, đạt lục thông rồi sử dụng lục thông vào nhiều khía cạnh đời và đạo để tạo lợi ích cho chính mình thì trình độ tu học, trình độ hiểu biết đó lại trở thành một loại xa xí phẩm của người đời hay đời thường.
Cũng giống như ta xuất sắc trong một nghề nghiệp sau khi thực tập và đào luyện về con người của mình. Vì thế ta mới thấy nhiều người tu học sáng suốt rồi trở nên bói toán, đoán điềm giải mộng, vân vân... Hay những yogi Ấn độ có những khả năng tuyệt hảo về thân thể hay tâm linh, có thể nín thở trong nước, trong hộp, hay xuất hồn vía đi nơi này nơi khác để lòe thiên hạ hay kiếm lợi nhuận vật chất.
Vậy tu học thật sự là một con đường lắm chông gai. Trên tiến trình tu học để giải thoát, hành giả tự gạt gẫm mình luôn luôn. Hôm nay ta có thể là một kẻ đạo học thật sự, nhưng ngày mai ta có thể trở nên một kẻ láo khoét thiên hạ và luôn gạt gẫm cả chính mình vì mình hoàn toàn không biết đã bước vào ngã rẽ rời xa con đường Chánh Đạo và đã lân la vào con đường Tà Đạo đầy danh lợi ảo mộng với những ảo từ là một người tu học có trình độ quán thông.
Tu học thật sự phải luôn hệ trọng và sợ hãi sự yếu đuối của chính mình. Phải luôn đặt mình trước một đại quan tòa tâm linh quán chiếu trong mỗi hơi thở, mỗi chớp mắt để mau mau tỉnh ngộ trong những lúc yếu đuối tham sân si của mặt đời đầy hiểm nguy. Ta phải luôn đặt ta đang bước đi trên một sợi dây Trung Đạo. Ta ngả qua mặt đời quá ta cũng té, mà ngả qua mặt tâm linh quá ta cũng sẽ té vì tưởng mình là một bậc vĩ nhân, hay đạo sĩ xuất thần.
Sợi dây Trung Đạo giúp ta quân bình vì bên phải hay bên trái của ta đều là ảo mộng mê lầm.
Gửi ý kiến của bạn