7-2-08 - 9:30 giờ sáng - Mồng 1 Tết
Làm sao để dứt nghiệp giữa ta và người?
Một sự ràng buộc mà ít ai lưu ý, nhưng vô cùng quan trọng, đó là TÂM NGHIỆP. Sự dứt được hay không là do nghiệp hệ trọng này. Nếu dứt được nghiệp này thì dần dần sẽ dứt được Thân Khẩu Ý Nghiệp, dù cho ruột thịt, thân bằng quyến thuộc hay bạn bè, vân vân...
Tâm Nghiệp gần như là một nghiệp lớn, đôi khi sánh bằng đại nghiệp. Đó là trọng tâm của mọi vọng ngữ, kéo theo bao nhiêu sự ràng buộc về nghiệp quả.
Tâm nghiệp là một nghiệp rất khó dứt, nếu ta không tự giải quyết hay vô hiệu hóa nó bằng sự tu tập, thức giác, cải sửa, để đạt tâm không.
Khi ta lúc vầy lúc khác chưa thật sự tịnh tâm, định tâm, an lạc để tiến tới không tánh sáng trong thì ta cứ như nước trong ao, lúc lắng thì bụi cát dơ bẩn lắng sâu dưới đáy ao, nhưng khi bị khơi động thì nổi sóng, nổi bọt, rồi tất cả các rác rưới, bụi, cát, bọt bèo nổi lên mặt nước.
Nếu muốn nước ao, hay tâm ta trong sạch dần dần dứt Tâm Nghiệp thì ta cần thanh lọc, tức lược ra những chất dơ cặn bã để vứt đi, chứ đừng để dành nó dưới đáy ao chờ lúc bị khuấy động thì ôi thôi, chướng nghiệp lại tràn ngập tâm trí ta khiến thân khẩu nghiệp ta lại có dịp bùng vỡ tạo nên một chuỗi dây xích khó gỡ với những mối dây nghiệp quả tưởng không bao giờ dứt được.
Tâm nghiệp chưa dứt thì xem như cánh cửa Đạo Tràng vẫn còn khép kín và ta vẫn luôn là người chân muốn bước tới mà tâm vẫn còn bị cột chặt với sự cộng nghiệp, một nghiệp làm trắc trở nhất đối với người tu.
Sự cộng nghiệp là mớ dây mơ rễ má khó gỡ nhất đối với người muốn tu, mới bước vào đường tu, hay người đã trở nên tu sĩ dù đã sống trong tu viện.
Cộng nghiệp hay còn gọi là Tâm Nghiệp là một chướng ngại vô cùng tận, là cả một nghiệp lực do người trói ta, cảnh trói ta, không phải chỉ bằng hiện thực và qua tiềm thức, tâm thức hay cả cái thức của ta.
Người tu tuy đã thức giác, giác ngộ, nhưng vẫn khó tránh vùng vẫy trong mạng nhện này. Phải chăng đó là màng nhện khiến cho bao người tưởng thoát khỏi sanh tử luân hồi, tưởng đã thoát tục, bỗng trợt chân hụt hẫng, phá tan bao công quả, công trình tu tập lập công bồi đức, chỉ một phút chốc lại gục ngã trước sự yếu đuối của chính Tâm Thức, Tâm Nghiệp của mình.
Ta thường xuyên sống trong hai thế giới, thế giới ngoại cảnh và thế giới tâm cảnh. Thế giới ngoại cảnh ràng buộc ta một, thì cái thế giới tâm cảnh dồi dào của ta lại ràng buộc ta mười.
Con người khổ vì thế giới ngoại cảnh thì ít, mà đau khổ dày vò, thù hận, thương, ghét được phong phú hóa bởi ảo ảnh, tưởng tượng, lục giác của ảo giác đã nhơn lên không biết bao nhiêu. Sự đau khổ càng nhiều càng lâu thì địa ngục tâm càng biến thành một cảnh ngục mà hình phạt để xử ta càng nặng, càng ghê gớm.
Cái khó nhất là thực hiện lời Phật dạy: Sống trong hiện tại. Chỉ có sống trong hiện tại thì trong thoáng chốc ta thoát khỏi Tâm Nghiệp với bao cực hình của địa ngục tâm.
Hãy trở về với hiện tại, với hơi thở và nội tâm bình an, biết ta đang sống, đừng để tâm nghiệp lôi kéo ta, dù sự suy nghĩ hay lời nói.
Hãy theo dõi hơi thở, theo dõi nội tâm, và dừng ngay trong sự thức giác mỗi một dấy động của tâm thức, của màng nhện khó gỡ. Khi ta quên ta thì màng nhện bủa vây ta. Khi ta chợt tỉnh, giác ngộ thì màng nhện rớt xuống.
Ta thức tỉnh, thức giác luôn luôn và liên tục, ta vô hiệu hóa màng nhện tâm nghiệp đã bao trùm, gò bó, hành hạ ta từ nhiều năm qua.
Khi tâm nghiệp dứt thì nghiệp quả dứt. Ta sống trong hiện tại. Bình an và giác ngộ.
Mồng Một Tết Mậu Tí