2- Tấm Trần Dà và Giáo Pháp Tứ Ân Là Phương Tiện Chung Cho Nhân Loại

09 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 80627)
2- Tấm Trần Dà và Giáo Pháp Tứ Ân Là Phương Tiện Chung Cho Nhân Loại
7-2-07 - 1:00 giờ sáng

Nhất quán, nhị quán, và trung quán?

Khi sống luôn trong nhất quán ta bước vào đại định, không một lời nói hành động cử chỉ nào có thể rung động, xoay chuyển tâm thức ta khiến ta có thể có phản ứng lại. Đó là trạng thái không không, nhất thể, và không biến thể hay vô phản ứng.

Ở trạng thái nhị tâm hay tâm bị giao động bởi tình cảm, cảm xúc, và bị chế ngự bởi hỉ nộ ái ố, thất tình lục dục.

Ở trạng thái trung quán là không nghe không thấy, đồng thời nghe thấy rất rõ nhưng vẫn định. Tuy tâm không giao động nhưng bộ máy người vẫn làm việc và ghi nhận dữ kiện một cách đầy đủ.

Ở trạng thái trung quán, bộ não ghi nhận chính xác, rõ ràng nhờ vào sự không giao động của tâm nên dữ kiện được ghi nhận có tính cách khách quan, không bị thêm bớt và chuyển nghĩa, chuyển câu văn theo sự xúc động của tự ái cá nhân.

Khi ta ở trình độ trung quán, ta sống một lượt ở hai cõi, ở hai trình độ nhất nguyên lẫn nhị nguyên, và đó là trạng thái trung nguyên. Không tốt không xấu, chỉ có dữ kiện khách quan tồn tại.

Người đạt trình độ trung quán, trung nguyên phải quán chiếu theo dõi tâm thức mình cho rõ để không bị lầm lẫn vì ngỡ rằng mình lúc như thế này, lúc như thế khác.

Ta sẽ tự hỏi vì sao ta không bị xúc động, khởi động vì tự ái. Rồi lúc khác lại tự hỏi mọi sự việc xảy ra vẫn còn tồn đọng trong bộ nhớ của mình và nó vẫn ghi đi ghi lại?

Nên nhớ một điều là trình độ tâm thức ta thay đổi, nhưng bộ máy người ta không đổi vì nó hoạt động bình thường nếu nó ở trạng thái hoàn hảo. Không điếc, không mù, không câm, hoặc thiếu phần này, yếu phần kia, không có khả năng ghi nhận đầy đủ.

Bộ máy người vẫn chạy, máy vi tính người (biocomputer) vẫn hoạt động. Cái khác là dữ kiện ghi nhận được trực tiếp, không qua tiến trình thêm bớt do cảm xúc, tự ái cá nhân hay bị đứt quảng vì sự giận dữ, hay quá vui mừng, hồ hởi.

Khi ở trình độ trung quán vừa không tính, nói như không nói, nghe như không nghe, vừa ở trình độ của một con người có đầy đủ giác quan, nhưng nhờ tính không mà nghe rõ và nói những lời không bị ảnh hưởng bởi tự ngã, đầy hỉ nộ ái ố. Nhờ đó mà bộ nhớ của ta không bị tam sao thất bản, có nghĩa là ta không thêm, bớt những gì nghe thấy.

Đến đây ta đã vượt qua được một cái hàng rào của hữu và vô. Không còn bị vướng mắc vào có và không mà sẽ bắt đầu sống trong sự hài hòa giữa không và có.

Trên con đường tu học và hành đạo, cả một quá trình tâm linh đầy chông gai lúc tối sầm, lúc sáng choang khiến ta lúc ủ rũ đau buồn, lúc nhẹ nhàng sảng khoái.

Nhưng bước vào trung đạo, ta mới có khả năng đi đứng không còn bị loạng choạng vì ta vừa hiểu được sự nhiệm mầu của Tánh Không vừa chấp nhận bộ máy người của mình nay được tân trang chùi rửa sạch sẽ và đơn sơ không còn bị bụi bậm, dầu nhớt dơ bẩn làm tắc nghẽn, hay bị rỉ sét hư hỏng.

Tu học là phải luôn chăm chỉ chùi rửa thanh lọc vừa phần xác lẫn phần hồn. Bên này dơ thì ảnh hưởng bên kia và ngược lại. Vì thế nên con đường đời đạo song tu là con đường trung đạo mà Đức Phật Thích Ca đã dạy và Đức Thầy đã xiển dương pháp tu Tứ Ân để người đời nay dễ học dễ hành.

Pháp tu Tứ Ân đã giúp cho ta đi vững trên bốn bánh xe pháp luân. Bánh này hư có bánh kia đỡ, ta có bị nghiêng ngửa xiêu vẹo nhưng ta có cơ hội vượt được con đường tu học mà không bị té nhào hay đứt gánh nửa đường. Trong bốn bánh xe Tứ Ân, bánh nào yếu thì có các bánh kia đỡ. Vì chính những bánh mạnh hỗ trợ cho những bánh xe yếu mong manh hay thiếu hơi.

Đức Thầy thương yêu đã cho tín đồ một điểm đến để đi, như Đức Phật đã chỉ mặt trăng cho mọi người. Đức Thầy chỉ ngay, giới thiệu ngay tinh thần vô vi tối thượng và hoàn hảo, sự hợp nhất của mọi tư tưởng và đạo giáo hay sự hòa đồng của các chủng tộc màu da, hay vạn vật đồng nhất thể của con người và vạn vật muôn loài. Thật là một tinh thần đại đồng, tối thượng mà con người đang đi tìm để bước đến chân lý nhất nguyên của Chân Thiện Mỹ. Đó là tấm trần dà.

Một tín đồ chưa biết đạo đã được Đức Thầy chỉ cho tấm trần dà, mức đến của bao ngàn pháp tu, của mọi tôn giáo. Và Đức Thầy đã cho đệ tử một chiếc xe đủ bốn bánh làm phương tiện tu hành để có khả năng đến nơi mà người tu phải đến đó là sự giải thoát. Tuy nhiên điểm đặc biệt của giáo pháp Tứ Ân là điểm đến của ta ở ngay hiện kiếp chớ không phải đợi lúc hồn lìa khỏi xác.

Nếu trong hiện kiếp ta có thể giải thoát được thì khi ra đi ta mới có khả năng giải thoát. Nếu ta không tu, không hành ở hiện kiếp và không biết đường nào để đi trong hiện kiếp thì linh hồn của ta sẽ mất định hướng, bơ vơ không biết về đâu.

Ta nhìn tấm trần dà mỗi ngày để định hướng và định tâm và hành pháp Tứ Ân để đi đến đích.

Tấm trần dà, tinh thần vô vi tối thượng và phương pháp Tứ Ân không phân biệt tôn giáo chủng tộc, người sang kẻ hèn, mà đó là con đường và phương tiện chung cho nhân loại tiến đến giải thoát nhập Niết Bàn tại thế.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880