28-2-08 - 9:00 giờ sáng
Sự tu tập sẽ còn nhiều khó khăn trong sự phối hợp giữa đạo và đời khi mình còn phản ứng vì lời nói và hành động của người.
Hiểu người không chưa đủ, mà còn xem sự việc như là, tức không còn bị khích động giữa sự hài lòng không hài lòng, hợp ý hay không hợp ý.
Khi hiểu người nhưng vẫn còn bị “sốc” với hành động và lời nói của người, thì chưa có sự nhịp nhàng giữa đạo (tâm không) và đời (sự ô tạp, khác biệt).
Cái sốc, cái khác biệt tạo nên sự chống phá giữa nhất nguyên và nhị nguyên còn, thì sự xung khắc vẫn còn, tạo nên nhiều khó khăn đưa đến tâm bệnh hoặc thân bệnh, không phải do thời tiết, vi trùng, vân vân... mà do sự thực tập không phản ứng (non reaction) còn vướng mắc, trở ngại.
Sự thiếu hay không có khả năng phối hợp hay song hành giữa nhị nguyên và nhất nguyên không phải chỉ cho người tu tại gia mà còn luôn cả cho giới xuất gia. Vì thế có khi người tu gặp chướng ngại còn nhiều hơn người sống bình thường vì tu thì đi về không, vô, mà người đời thì đi về có, hữu.
Người tu chỉ không gặp chướng ngại khi đạt được không tánh, mà không bị gò bó vào không tánh. Hiểu người, chấp nhận người với sự không phản ứng.
Cái phản ứng khi bộc lộ ra bằng lời nói hay hành động thì va chạm với người vì còn muốn người cũng giống như mình. Cái phản ứng giữ lại trong lòng hay còn gọi là dồn nén, sẽ tạo ra thân bệnh do tâm bệnh, hay tâm rối loạn vì bực mình khó chịu vì ngũ uẩn hoành hành, dòng điện bị nghẽn, sinh lực (energy) xuống thấp, tạo nên sự mệt mỏi không tập trung được tâm thân ý. Do đó bệnh xuất phát vì nội tâm ảnh hưởng nội tạng.
Qua những kinh nghiệm trên, ta mới hiểu được vì sao những người bước vào đường tu lại gặp bao xáo trộn của đời sống. Cái tu giả thì dễ, nhưng khi tu thật thì gặp biết bao khó khăn trong đời lẫn đạo.
Khi thật tâm bước vào đường đạo, vào lẽ phải, vào chân lý, nhìn thẳng vào sự thật, ta sẽ chẳng những bị những cú sốc đối với con người trong cả hai môi trường Đời lẫn Đạo. Ta sẽ bị đụng với người dối đời, từ dối trá, tham ô, tham quyền đoạt vị, vinh thân phì gia, ăn trên ngồi trước, khi người khác đói khổ không có miếng ăn.
Ta sẽ bị nhiều cú sốc trong môi trường của giới tu học, trong phạm vi tôn giáo. Quá nhiều kẻ lấy Đạo tạo Đời, hoặc lấy Đời tạo Đạo, quơ vét của tiền của bá tánh, mị tín đồ, mị dân, mưu danh cầu lợi, dùng đạo làm nấc thang danh vọng hay chánh trị, tiền của.
Vì thế nên người tu càng cao chức vụ, càng nhiều danh vọng càng không có lối thoát, càng sống trong Địa Ngục Tâm.
Muốn tu tập, tinh tấn, phải can đảm gỡ mọi xiềng xích từ Đạo tới Đời.
Làm sao gỡ xiềng xích?
Phải buông. Phải buông từ nội tâm, buông cả cái tôi, buông cả cái biết và buông luôn tánh không.
Muốn cho có sự nhịp nhàng giữa đạo và đời, ta phải thực hành Không Không Tánh.
Không không tánh là Biết mà Không Biết, để không kẹt vào cái biết.
Không không tánh là dù đã đạt tánh không, nhưng không gò bó vì tánh không, thì ta mới có thể sống hòa hợp với đời.
Không không tánh là Hòa. Sự hòa hợp giữa người và người để cho ta không còn gặp trở ngại trong đời sống tu hành lẫn đời sống gia đình và xã hội.
Không không tánh hay Hòa là tư cách của người Biết Đạo, Biết Đời. Sống với đời mà không chống đời, sống với đời mà không phân biệt đời, khác người nhưng không chống người. Đó là con đường chánh đạo.
Ghi chú: Viết tại công ty Sea One Seafoods, sau khi tự cạo gió tại văn phòng vì nhức đầu muốn cảm, rất khó chịu trong người.