- NỘI DUNG
- DẪN NHẬP: Có trí huệ khi tỉnh thức toàn vẹn
- CHƯƠNG I: Thức tỉnh, sáng suốt để bước vào Đại Đạo
- CHƯƠNG II: Có trí huệ khi tỉnh thức toàn vẹn
- CHƯƠNG III: Lòng từ bi giúp con đường đạo
- CHƯƠNG IV: Tu Nhân học Phật là con đường thức tỉnh giác ngộ
- CHƯƠNG V: Hạt giống Đạo ăn sâu vào lòng đất mẹ
- TIỂU SỬ TÁC GIẢ NGUYỄN HUỲNH MAI
10-12-2012 – 10 giờ 30 sáng.
Cuộc đời sẽ được nhẹ nhàng hơn nếu biết cắt giảm, từ đời sống vật chất cho đến đời sống tinh thần.
Con người sở dĩ mang nhiều tật bệnh vì hệ thần kinh bị rối. Bệnh vì lo nghĩ ôm đồm, bệnh vì sợ hãi mất mát từ tình cảm đến vật chất. Bệnh vì thương quá hay ghét quá. Nếu bệnh vì không có của cải, vật chất đầy đủ thì cũng bệnh vì có nhiều có hơn những thứ mình cần. Nếu không bệnh vì thiếu ăn, thì cũng bệnh vì ăn quá nhiều những thực phẩm không cần thiết hay thực phẩm gây bệnh hoạn.
Người ta bệnh vì quá cô đơn mà cũng bệnh vì có quá nhiều người để lo, để nghĩ đến.
Muốn nhẹ nhàng bớt bệnh ta cần thanh lọc từ đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần, nhất là đời sống tâm linh không quân bình vì đi quá đà.
Tất cả, chỉ vì ta thiếu định tâm, quán chiếu về mình, về đời sống vật chất, tinh thần lẫn tâm linh.
Sự rối beng làm cho đầu óc ta bấn loạn. Mà khi hệ thần kinh rối loạn thì ảnh hưởng rất lớn đến bộ tuần hoàn, từ bộ tiêu hóa đến máu huyết luân lưu không đều gây nên mệt tim, ăn ngủ không được hay rối loạn tiêu hóa.
Khi bộ tuần hoàn rối loạn thì bệnh tật khó tránh và ảnh hưởng ngược lại hệ thần kinh và ta đi đứng nằm ngồi không yên, tinh thần rối loạn nghĩ suy sai lầm nghe không đúng, thấy sai, nói năng bậy bạ gây nhiều lầm lẫn trong đời sống thường nhật.
Nếu tâm ta nhẹ nhàng bình an quán chiếu mỗi sự suy nghĩ hay nói năng, hành động không đúng ta đều nhanh nhẹn bắt kịp và sửa đổi để không nói năng hành động quá trớn gây đổ vỡ hiều lầm đối với gia đình, người thân hay bạn bè, đồng đạo.
Sai lầm thường bắt nguồn từ những điều nhỏ nhất, một câu nói vô tình, vu vơ, một hành động nhỏ theo thói quen mà ta không chịu sửa. Ta bỏ qua những lỗi lầm của mình, và dần dần sẽ xem nhẹ nó để rồi sẽ vi phạm những lỗi lầm lớn hơn.
Nếu ta không bắt được những lỗi lầm nhỏ, nhất là thói quen khó sửa của ta để tự điều chỉnh lại, thì dần dần tính nết ta sẽ trở nên gàn dở lúc về già.
Nếu muốn trở nên một người dễ chịu lúc về già được mọi người thương mến, ta cần chú tâm cải sửa và tu tập từng bước một ở bất cứ lứa tuổi nào.
Tu tập cũng là một cách chuẩn bị để trở nên một người già dễ mến có đời sống bình an đầy đạo hạnh.