- NỘI DUNG
- DẪN NHẬP: Có trí huệ khi tỉnh thức toàn vẹn
- CHƯƠNG I: Thức tỉnh, sáng suốt để bước vào Đại Đạo
- CHƯƠNG II: Có trí huệ khi tỉnh thức toàn vẹn
- CHƯƠNG III: Lòng từ bi giúp con đường đạo
- CHƯƠNG IV: Tu Nhân học Phật là con đường thức tỉnh giác ngộ
- CHƯƠNG V: Hạt giống Đạo ăn sâu vào lòng đất mẹ
- TIỂU SỬ TÁC GIẢ NGUYỄN HUỲNH MAI
28-12-12 – 10 giờ sáng.
Một bài viết hay không phải là một bài viết có tính toán, có chủ đề, có đặt trước để đưa ra một ý gì với một mục đích gì đó và từ đó sẽ biện luận cho chủ đề.
Một bài viết hay phải là một bài tự phát như suối nguồn của đạo.
Đạo đến với ta không định trước được cũng như ta không tạo được ánh sáng của trí tuệ. Trí tuệ có được là do chính ta dẹp tan mây mù che kín tâm hồn và trí não của ta.
Con người u tối nhưng không thể biết được là mình đang bị u tối cho đến khi bị đánh thức bằng những vấp ngã, khổ đau, bệnh tật, tai ương. Khổ ít thì thấy ít, khổ nhiều thì thấy nhiều, cho đến khi biết được sự nhiệm mầu của đạo thì mới biết trân quý cái khổ.
Trí tuệ như ngọn đèn, như ánh sáng có nhiều độ sáng. Cái tuyệt đỉnh của ánh sáng không thể đương nhiên mà có được và phải qua bao giai đoạn giác ngộ, qua bao giai tầng của sự chứng ngộ cái khổ.
Khi con người chứng được “cái khổ chính là viên thuốc tìm đạo” và biết trân quý cái khổ thì sự an lạc đến một cách nhẹ nhàng, an nhiên tự tại.
Sự an nhiên tự tại đến một cách hồn nhiên nhẹ nhàng trong mùi vị của cái khổ thì trí tuệ được đốt lên sáng lòa, tột đỉnh.
Khi trí tuệ được sáng lòa, tột đỉnh thì giác ngộ không chỉ là thức tỉnh mà là sự toàn giác.
Sự toàn giác là nguồn đại lực đã giúp chư vị Bồ Tát của quá khứ vị lai tiếp tục dấn thân dù gặp bao gian truân, và họ có thể đối phó với sự hiểm nguy hay cái chết một cách dễ dàng.