Nếu muốn cuộc đời về già của mình có hữu lợi cho chính mình, cho tha nhân thì trước nhất phải biết giới hạn những sinh hoạt, công việc của mình sao cho phù hợp với số tuổi và sức khỏe của mình.
Sau đó phải xem xét khả năng của mình đối với số tuổi hiện tại. Quán xét và quán chiếu giữa mộng và thực hay cái gì mà mình muốn, mình ưa thích, ước mong hoàn thành với hiện trạng thực tế là mình có thể làm được gì, tới đâu, bao nhiêu.
Tránh xa trường hợp của những người cao vọng, sống trong ước mơ là mình sẽ thế này thế kia, và thường quan trọng hóa chính mình để mãi mãi sống trong hoài vọng, tự dằn vặt lấy mình hay hốt hoảng trước tuổi già, rồi tìm cách vớt vát lại tuổi thanh xuân, bằng vật chất hay chỉnh sửa sao cho trẻ lại và sống trong tâm trạng luôn cảm thấy bất an.
Càng lớn tuổi, càng già, càng nên buông xả, bình an với lý tự nhiên sẽ được an lạc.
Càng già càng phải sống nhiều với hiện tại và nhớ mình nhiều hơn để không bước những bước sai lầm từ sinh hoạt đời lẫn sinh hoạt đạo, từ đời sống vật chất đến đời sống tâm linh.
Bình thường hoá chính mình, nhớ tuổi thọ của mình, biết được giới hạn của khả năng về già của mình. Đó mới chính là đời sống thật của mình để tránh đau khổ về già.
Gửi ý kiến của bạn