“Tánh không phải chăng là chấp nhận mọi sự vật như là” và khắc sâu đậm câu nói này trong mỗi giây phút của đời sống?
Phải chăng ta thường bị áp lực của đời sống dù đạo hay đời khi muốn thay đổi một điều gì, hay một người nào đó?
Vẫn luôn là một bài học khó mỗi khi ta cảm thấy bất lực trước một điều gì mà ta muốn cho nó tốt hơn, hay hơn, tránh sự hư hỏng hay sự thất bại cho người thân, hay cho một nhóm người mà ta quan tâm, thân thiết. Ngay cả bất lực trước cái ác, cái dữ, cái sân hận của người xung quanh hay xa hơn là những việc làm hết sức độc ác của một số người trên thế giới.
Mỗi con người có một nghiệp duyên riêng tùy theo sự lựa chọn của họ. Khi cảm thấy bất lực là lúc ta muốn sống đời sống người khác, hay bị quá nhiều ảnh hưởng vì đặt nặng đời sống của họ lên đời sống của ta.
Thế giới đầy những tội ác trong mỗi tích tắc của đời sống. Điều ta chỉ có thể làm trong phạm vi nhỏ bé của mình là hiến dâng kinh nghiệm sống đạo của mình, tìm thấy đường đi của mình và đi cho đến cùng dù có phải đơn thân độc mã.
Có bao nhiêu vị cứu đời đã liên tục xuống thế để hoằng hóa chúng sanh. Họ có thay đổi được thế giới này chăng? Hay họ đến phục vụ rồi đi và không phải ai cũng đi trong sự nhẹ nhàng mà phần lớn đi trong sự khổ để làm gương cho hậu thế?
Nếu ta, vẫn mãi yếu đuối, vẫn mãi bị ảnh hưởng của người xung quanh thì ta không thể giúp được ai, vì đã không giúp được chính mình.
Điều quan trọng là cần thay đổi chính mình, thay đổi để chuyển nghiệp, đó là nghiệp ràng buộc cuộc đời mình với cuộc đời người khác. Thay đổi để buông dần nghiệp chướng mà mình luôn ôm chặt vì nghĩ đó là của mình, liên hệ với mình.
Khi bình tâm dứt khoát với nghiệp chướng vây quanh, mọi áp lực từ tinh thần lẫn vật chất đều rơi xuống ta mới thấy an định.
Mọi sự khổ phải chăng vì chính mình không chịu buông.
Gửi ý kiến của bạn