Dù làm việc đời hay việc đạo nên giữ cho đầu óc trống không, yên lặng không biện luận, so sánh, hài lòng hay không hài lòng.
Đó là con đường phải đi để có thể tiếp tục làm việc, sáng tác lúc tuổi già. Trong cuộc đời hành đạo đời đạo song tu không ly gia cắt ái để làm tu sĩ thì vẫn còn dính líu đến gia đình, cha mẹ, con cái, anh em, chồng vợ. Vì thế việc đạo nhiều lúc bị đứt khoảng, ngưng trệ để lo việc đời.
Khi đang nỗ lực lo một việc gì nhất là việc đạo mà bị ngắt khoảng, rất dễ bị nản chí, buồn bực vì mỗi khi tập trung tinh thần nỗ lực thực hiện mà phải ngưng lại để đổi hướng lo việc khác thì rất khó bắt nhịp lại như cũ.
Vì thế cần giữ tâm không, tức tâm như như không phân biệt hai con đường đạo và đời khác biệt để tâm không khởi động.
Khi tâm khởi động thì sẽ gây bực mình, khó chịu, tự trách mình hay trách người, lo ngại về thời gian công việc đề ra bị kéo dài và nhất là lo sợ không xong, không hoàn thành tác phẩm mà mình muốn thực hiện có giá trị về nghiên cứu lẫn tâm linh.
Bất cứ việc gì mà mình đặt trọng tâm giá trị cao thì dễ gây lo lắng, thất vọng, tạo nên sự khó khăn khi viết, khi thực hiện vì luôn ở tâm trạng sợ công việc sẽ không được như ý, tác phẩm sẽ không hay, không có giá trị hoàn hảo như mình mong muốn.
Muốn việc được tiến triển đều đặn cần dễ dãi với chính mình, không hối thúc, không đòi hỏi mình quá cao, quá nhiều thì giờ hay tâm lực thì dần dần mới có kết quả. Nếu đặt tiêu chuẩn quá cao, quá khó thì chính điều đó là sự ngăn trở mọi công trình dài hạn lâu bền.
Gửi ý kiến của bạn