87. - PHẢI CÓ KHẢ NĂNG CHÂN THẬT

08 Tháng Mười 20206:36 CH(Xem: 1614)
87. - PHẢI CÓ KHẢ NĂNG CHÂN THẬT
3/1/2020 – 11 giờ sáng

Muốn phục hưng Đạo giáo dân tộc không có con đường nào khác hơn là hướng về quê hương, hướng về nguồn Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, hướng về Thánh Địa, nơi mình lớn lên để học đạo và biết đạo.

Đó là con đường trở về với Đạo giáo dân tộc, để phát triển đạo, xây dựng lại con người Việt Nam, thấm nhuần từ bi bác ái, phát triển lòng từ tâm, lòng yêu quê hương dân tộc, cung kính tổ tiên, ông bà cha mẹ, biết vâng lời Phật Tổ Phật Thầy, và Đức Thầy kính yêu đã dạy ta làm lành lánh dữ từ thuở bé thơ.

Đạo giáo dân tộc đang được khai mở và người viết cũng là một trong những người cùng góp tay góp sức để xây dựng lại nền tảng dân tộc đã được khôi phục lần hồi trong hoàn cảnh khó khăn nhưng lại nảy sanh ra những người tu học được khai sáng trong hoàn cảnh khó khăn nhất của đất nước.

Chân nhân không thể xuất hiện ở chốn văn minh phồn hoa đô hội, mà chỉ xuất hiện hay được đào tạo bởi hoàn cảnh khó khăn, hay trái duyên, trong hoạn nạn, nghèo khó, bần cùng.

Viên ngọc được mài dũa mới là viên ngọc thật, và không do chế tạo bằng máy móc hay kỹ thuật tân tiến tạo thành.

Chân nhân không được đào tạo qua bằng cấp hay tài năng qua học vấn, hay thành công trong hoàn cảnh đầy đủ, dễ dàng, mà chân nhân luôn hiện hữu trong khó khăn, hoạn nạn. Viên ngọc tỏa sáng không bằng kỹ thuật tân tiến, mà do tâm thức sáng trong phát tỏa ra, sau khi bị mài dũa đớn đau, vật vã, khó khăn.

Đó là giá trị thật của viên ngọc không thành hình do nhân tạo, hay được đào tạo có trường lớp, mà do tự tạo bằng tâm thức sáng trong, tự gột rửa qua một tiến trình tu học, tự tu, tự sửa, tự rèn luyện, và nhất là tự giác.

Muốn trở nên một người tu hành thật sự, một viên ngọc thật sự, không có con đường nào khác hơn là con đường Tự Giác.

Nếu người tu tại gia hay người tu xuất gia không biết tự giác ngộ, thì dù có mặc áo tu, cạo đầu, lìa nhà, có phẩm trật, đọc bao hồi kinh, cũng vẫn không trở nên một người tu hành thật sự, mà vẫn mãi mãi là một kẻ giả tu.

Con đường tu, cho dù tu tại gia hay xuất gia, đều thấy dễ mà khó, và thấy khó mà dễ tùy theo trình độ tự giác. Nếu không biết tự giác, tự chân thật với chính mình, có tu nghìn kiếp cũng hoài công.

Nếu muốn tu, dù tu tại gia mà biết tự giác, chân thật với người và ngay cả với chính mình, thì có thể trở thành “tu nhất kiếp, ngộ nhất thời.” Có nghĩa là chỉ một kiếp giác ngộ ngay.

Cái gút được mở hay thắt lại, để một con người có thể bước vào đường tu là thật và giả.

Cái thật chính là khả năng diệt ngã, diệt cái tôi cứng đầu, lúc nào cũng tự bao che cái sai, cái yếu đuối của mình. Người muốn tu mà càng bao che cái giả của mình chừng nào, thì con đường tu càng xa chừng đó.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880