5. Mùa Vu Lan
Thứ Sáu 4-9-98 – 8:14 giờ sáng
Tài và Thịnh đã đi làm. Hôm nay thứ Sáu anh mặc quần jeans và áo thun T-shirt trắng, trên ngực có in hình hiệu con cá và chữ Sea One Seafoods, phù hiệu của công ty gia đình. Còn Thịnh thì mặc áo sơ mi xanh tay dài đeo cà vạt. Tài có thói quen ủi quần áo trước khi mặc, dù là quần áo ngủ. Nay thì có thêm Thịnh.
Tài bị đau vai và gân cổ từ hôm mới dọn nhà đến nay. Tôi trách anh sao không kiên nhẫn trị liệu theo phương pháp nào cả. Chữa kiểu nào cũng chỉ vài tuần là anh bỏ cuộc. Nào là châm cứu, nắn xương. Rồi bác sĩ gia đình gởi anh vào nhà thương chụp hình, có chuyên viên dạy tập thể dục cho giản gân cổ và gởi cho anh một loại dụng cụ treo cổ anh lên cánh cửa, phía sau lưng có một bịch nước để cân bằng.
Tưởng là chỉ người làm việc lâu năm ở bàn viết hay bị nhiều áp lực tinh thần căng thẳng mới bị chứng đau nhức này, ai ngờ cô bạn Ánh Chân làm đài Á Châu Tự Do cũng bị. Nghe tôi bảo bên này tôi đi châm cứu ở khu Tiểu Sàigòn chỉ có hai ba chục đồng, cô ta nói ở Washington D.C. cô đi một ông thầy Hàn quốc, mỗi lần đi mất đến bảy chục đô.
Ở Mỹ bây giờ người ta xoay qua trị liệu theo Á Đông khá nhiều. Hôm Chủ nhật 30-8-98, báo Los Angeles Times có đăng hình một cô gái trẻ tóc ngắn ở trần ngồi nhắm mắt. Sau lưng cô là một bà tóc quăn, mặc áo đen, đưa hai tay bấm vào huyệt sau gáy của cô. Dưới tấm hình đó là một bức ảnh nhỏ chụp một bàn tay đang châm cứu ghim kim vào tay bệnh nhân bị bệnh sưng khớp xương.
Bảng thống kê Hoa Kỳ cho thấy tổng số tiền bán dược thảo năm 1994 là 2 tỷ nay đã lên đến 3.65 tỷ vào năm 1997. Năm 1969 chỉ có 15 trường nay có đến 800 trường dạy xoa bóp.
Bên trang trong tiếp theo còn có hình một ông thầy Tàu đang cân thuốc sau tủ kiếng dài trên đó có đặt mấy tờ giấy lớn để gói thuốc bắc. Trên vách tiệm thuốc này ở chợ Tàu tại Los Angeles có cả trăm cái hộc tủ đứng, chứa đủ loại thuốc cây cỏ.
Một tấm ảnh khác nhỏ hơn đặt bên trái, chụp ở Sedona, tiểu bang Arizona. Bà Naturopath Silena Heron đang giới thiệu tiệm dược thảo của bà. Trên quày trước mặt bà là một bầu thủy tinh lớn đựng lá khô. Phía sau lưng có nhiều kệ nhỏ đóng sát vách trên đó có hàng trăm lọ thuốc cỏ dán nhãn hiệu.
Dưới hai tấm ảnh, giữa bài viết dài đầy trang báo là các đồ biểu cho thấy sự thay đổi về cái nhìn của người Mỹ đối với các phương pháp trị liệu Á Đông mà họ gọi là “Trị liệu Thay thế” (Alternative Medicine).
Hôm nay là ngày rằm tháng 7, mùa Vu Lan báo hiếu. Từ lúc ba mất cuối tháng 11 năm 1989, năm nào tôi cũng nhập thất hai lần vào rằm tháng Giêng và rằm tháng 7 để cầu nguyện, tĩnh tâm, kiểm soát lại mình để định lại hướng đi của mình.
Hôm nay đại gia đình tôi ăn sáng ở tiệm Le Jardin vì nơi đó có thức ăn chay lẫn ăn mặn và cũng gần nhà. Mẹ tôi nhìn hết đứa con này đến đứa cháu kia, khuôn mặt thật vui sướng hạnh phúc. Tôi biết mẹ không ăn cũng thấy no.
Chúng tôi gần đủ mặt chị em trong gia đình, tôi, Thanh Thu, Xuân Mỹ, Hòa Việt, Hòa Nam, chỉ thiếu gia đình Minh Thư ở bên Luân Đôn và... nhất là thiếu ba. Vì thế trông thấy mẹ vui tôi sung sướng, nhưng nghĩ đến ba tim tôi chợt đau thắt và nước mắt muốn trào ra...
Tôi đã từng viết về “nhập thất trong tâm” trong quyển “Cô Bé Làng Hòa Hảo” thế nhưng tôi vẫn chưa thực hành, vẫn còn giữ mãi lối tịnh khẩu, sống yên lặng một mình.
Thuyền đã đến bờ bên này, sao tôi vẫn cứ quyến luyến ở mãi trong thuyền chưa muốn rời. Tôi vẫn còn yếu đuối chăng? Tôi vẫn cần ngoại cảnh giúp mình bớt loạn tâm chăng? Tôi còn sợ gì? Sợ sự yếu đuối của mình? Lúc nào tôi cũng cảm thấy mình vẫn còn quá nhiều khuyết điểm, sai lầm. Tôi vẫn luôn cần bổ túc, sửa đổi. Tôi là một người vẫn chưa đạt được “không tánh.”
Tôi đã từng viết vào ngày 7 tháng 2-1998:
“Sự sợ hãi đi liền với sự lo cho an nguy của chính bản thân mình, vì sợ đổ vỡ những gì mình có. Sự sợ hãi cho ta thấy ta chưa đạt được ‘tính không’.
“Khi đạt được ‘không tánh’ ta không thắc mắc và ‘luận đời’ cũng như ‘luận đạo’. Ta phải đập vỡ ‘cái tôi’, cái tôi tốt, đẹp, cao ngạo, và phải xem (cái tôi) như không có.”
Thiền sư Trungpa dạy tôi muốn đạt không tánh phải vượt ra ngoài sự phân hai của thế giới loài người. Phải vượt “nhân” “ngã,” vượt sự xung đột.
Tối hôm qua tôi nói với mẹ qua điện thoại là bắt đầu ngày rằm này dù còn đau hay không tôi vẫn làm Đuốc Từ Bi. Bài đã đánh máy, sửa chính tả, dĩa đầy đủ, nhưng nó chưa thành một tờ báo. Tôi nhắc:
“Con nghĩ đến ba. Lúc ba đau nặng, nóng sốt, vẫn còn lái xe vào sở đánh máy Đuốc Từ Bi, và làm báo cho đến ngày gần mất.”
Có lẽ hoàn cảnh đã buộc tôi rời con thuyền để thay vì nhập thất thì hôm nay là ngày họp mặt gia đình khiến mẹ tôi thật vui và những ngày nghỉ cuối tuần vào dịp lễ Lao động này giúp tôi làm báo. Ngày mai lại là ngày bầu cử Tân Ban Trị Sự miền Nam California. Mong rằng tôi sẽ không đau lắm để đi tham dự.
Chủ nhật 6-9-1998 – 9:45 giờ sáng
Bên ngoài trời vào thu âm u chưa có một giọt nắng. Tôi chỉ lo các trận bão vẫn còn đâu đây ở các thành phố lân cận hay các tiểu bang khác.
Theo báo L.A. Times thì mùa bão kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11, nhưng hay xảy ra nhiều nhất khoảng tháng 8 đến tháng 10. Bão Bonnie của tháng 8 lớn nhất mùa bão và gấp bốn lần bão Andrew năm 1992. Trên bản thống kê thì bão Andrew hạng tư, và đã phá hủy trên 30 tỷ Mỹ kim. Trận Hugo năm 1989, năm ba tôi mất, hủy hoại 8,5 tỷ. Trong khi trận Agnes năm 1972 và Betsy năm 1965 làm tổn thất trên 7,5 tỷ, thì trận Camille, cấp năm, năm 1968, làm tổn hại trên 6 tỷ. Năm 1955, bão Diane nhẹ nhất chỉ cấp 1 cũng hũy hoại gần 5 tỷ bạc.
Nhìn những hình vẽ các lượn sóng đánh vào bờ, tôi cảm thấy rùng mình. Các trận bão lớn tạo thành các lượn sóng từ 50 đến 100 dặm anh. Nguy hiểm nhất cho những căn nhà gần biển là bão đến khi nước cao. Bão càng lớn, nước càng sâu, thì sóng bổ càng cao. Chín trên mười cái chết là vì bị sóng biển cuốn đi.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, Julie Sheer cho biết lý thuyết cho rằng hiện tượng El Nino đã tạo ra nhiều bão lớn là sai, mà chính sự phát triển của La Nina đã tạo ra những vùng thuận lợi cho các cơn bão tố ở khu vực Đại Tây Dương.
*
Tôi nhớ lại đêm hôm qua, tôi cảm động khi đứng sau lưng ba người đàn ông lúc cầu nguyện ngoài sân nhà. Nhìn qua vai Thịnh Cường, tôi thấy bàn thông thiên thật đẹp, với cặp đèn sáp cháy sáng lập lòe trong cơn gió thoảng, khói từ ba nén hương bay lên nhè nhẹ. Bình hoa cẩm chướng xen lẫn hai màu đỏ trắng còn xinh tươi. Ba chun nước trong veo. Tiếng Tài đọc bài Nguyện Cửu Huyền rồi đến bài Tây Phương Ngũ Nguyện vang vang. Thịnh và Cường đọc theo, rồi đến tôi.
Hình ảnh các con lúc còn nhỏ trở về với tôi thật sống động. Căn phòng thờ trên lầu ngôi nhà cũ ở Mission Viejo mở cửa nhìn xuống phòng khách. Một hôm, vợ chồng bạn thân nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đến chơi. Thịnh Cường muốn đi ngủ nên xin phép cúng Phật trước với Trang, con gái nuôi của tôi. Trong khi Trang thắp nhang thì Thịnh Cường thay nước cúng. Chị Quang khen hai cháu ngoan quá, vì rót nước mà biết lấy chun này chan qua chun kia cho đồng đều. Tiếng cầu nguyện rõ ràng, trong trẻo của trẻ thơ khiến tôi xúc động không bao giờ quên được. Dạo đó trong phòng hai con tôi còn có tượng Phật Di Lặc bằng gỗ. Trước khi đi ngủ, hai con tôi hay lấy tay quẹt ông một cái, rồi đặt tay lên đầu cho ông phò hộ chúng được mạnh giỏi. Con tôi thật dễ yêu biết chừng nào...