7 Luyện tâm và vung bồi từ ái

24 Tháng Mười 20189:55 SA(Xem: 1588)
7 Luyện tâm và vung bồi từ ái

7. Luyện tâm và vung bồi từ ái

Thứ Sáu 13-1-2000

Tôi đã mặc áo tràng nâu chuẩn bị đi cúng, nhưng thấy trời đẹp nên gọi điện thoại cho mẹ, định đón mẹ đi ăn và đi chợ trời có mỗi sang thứ sáu ở ngoài biển Huntington Beach để mua hoa, rau cải, trái cây tươi.

Mẹ vừa cúng xong, ăn cơm và uống thuốc, đang nằm nghỉ ngơi. Tôi và mẹ bàn chuyện mua nữ trang chuẩn bị cho đám hỏi của Thịnh và Tina vào cuối tháng tới.

Tôi để mẹ nghỉ ngơi và đi cúng Phật, đọc Bát Nhã Tâm Kinh, vì thấy tâm tôi dạo này hơi bị động. Có lẽ động vì chuyện một số đồng đạo gởi tâm thư ra đăng báo dọa tự thiêu nếu chánh quyền Việt Nam không thỏa mãn những yêu cầu của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo; động vì một số tin không đúng sự thật, chẳng hạn như mấy chục xe tăng chạy về Bình Thủy chuẩn bị đàn áp tín đồ về dự Lễ Đản Sanh. Tâm động khi có hai lá thơ chụp mũ tôi gởi 10 ngàn đô về giúp Ban Đại Diện Phật Giáo Hòa Hảo (quốc doanh) để cứu trợ đồng bào bão lụt miền Trung, lá thơ này chạm đến tên ba Thành Nam và mẹ Hòa An. Sao họ lại nói đến tên ba tôi làm gì? Sao không để ông ngủ yên? Trong khi chúng tôi nhờ một số đồng đạo thân quen mướn xe đi cứu trợ đồng bào đang gặp thiên tai.

Tôi đã nhận không biết bao nhiêu thơ nặc danh, hữu danh, bản tin bôi nhọ, chụp mũ, sao tâm tôi còn động?

Quyển Training the Mind and Cultivating Loving-Kindness (Luyện tâm và Vun bồi Từ ái) nhỏ bằng bàn tay tôi nhưng có quá nhiều điều cho tôi học hỏi và thực hành.

Khẩu hiệu (slogan) thứ 7: “Cho và nhận cần được thực hành luân phiên. Cả hai lên xuống theo nhịp thở.”

Đó là phương pháp thực hành gọi là “Tong-len” (cho và nhận). Tiếng Tây Tạng, “tong” có nghĩa là gởi đi, hay buông xả, hay trao ra, và “len” có nghĩa là đón nhận hay chấp nhận.

Đó là phương pháp thực tập khi ngồi thiền. Mình cho ra tất cả hạnh phúc, tất cả những gì mình thích thú, tất cả những thứ đó được đưa ra ngoài theo hơi thở ra. Khi hít vào thường mình đem vào những gì buồn bực và khó chịu. Phương pháp này có vẻ giản dị. Thở ra những gì làm mình thích, và hít vào những gì mà mình ghét. Lúc đầu còn có ý nghĩ xấu và tốt, dần dà điều đó trở nên thực tế.

Có khi mình thấy buồn vì hít vào nhiều độc tố có thể giết mình và thấy phải thở ra những gì tốt đẹp ít ỏi của mình.  Khi vượt qua được trạng thái đó, sẽ thấy mình có nhiều điều tốt hơn là điều xấu hít vào. Tiến trình đó trở nên giúp ích cho trạng thái quân bình. Tuy nhiên, phải thực tập dài lâu mới đạt đến kết quả.

Càng nhận vào những điều tiêu cực với sự vị tha và cởi mở, mình càng có nhiều điều tích cực tốt đẹp để thở ra. Như vậy sẽ không có gì mất mát. Đó chỉ là một tiến trình.

Khẩu hiệu thứ 12: “Gom tất cả mọi phiền trách vào thành một.”

Trong bất cứ trường hợp nào xảy ra, cũng đừng có ý nghĩ sẽ được trả ơn, đền đáp lại lòng tốt của mình. Tất cả những điều sai quấy xảy ra xung quanh phải hiểu là không phải lỗi người khác. Tất cả những điều lỗi phải đều bắt đầu từ chính mình.

Thiền sư Trungpa viết:

“Khẩu hiệu này là tinh yếu của Bồ Tát đạo. Cho dù người khác chê trách ồn ào và đổ lỗi cho bạn, hãy đón nhận lấy sự phiền trách đó. Về mặt sức mạnh, đó là cách trực tiếp và giản dị hơn để nắm vững tình hình. Ngoài ra, đó là cách trực tiếp nhằm giản lược những rối loạn vào một điểm. Nếu bạn tìm người xung quanh tình nguyện nhận lấy phiền trách đó, sẽ thấy không ai chịu tự nguyện ngoài bạn ra. Khi nhận lấy sự chê trách nào lên mình, bạn làm giảm bớt sự rối loạn xảy ra xung quanh bạn. Bạn cũng làm giảm sự động loạn nơi người khác, hầu cho người đó có cái nhìn sáng tỏ hơn.

“Bạn có thể nói, ‘Tôi nhận lấy sự chê trách này. Do lỗi tôi mà việc đó hay việc kia đã xảy ra, và điều này hay điều nọ đã đến như hậu quả.’ Thật giản dị và bình thường. Bạn có thể thông đạt với người nào đó không ở trong trạng thái tự vệ, bởi vì bạn đã đón nhận lấy sự phiền trách. Nhờ thế có thể làm sáng tỏ trường hợp, và cũng có thể người mà bạn nói chuyện cùng họ, vốn là nguyên nhân gây ra vấn đề, sẽ tự nhận ra mình đã làm điều gì đó thật tệ hại. Người này nhận thức được lỗi lầm của mình. Nhưng sự chê trách, lúc đó chỉ còn giống như một con cọp giấy, đã được bạn tự nhìn nhận lấy. Điều đó giúp lắng dịu mọi trạng thái.

“Tiếp cận này rất mạnh mẽ. Tôi đã thực hành hàng ngàn lần. Tôi đã tự nhận lỗi rất nhiều lần. Lỗi có thể do một người khác đã làm một điều gì sái quấy, do sự hiểu nhầm lời dạy của tôi. Không sao, tôi có thể vui lòng nhận lỗi. Có thể còn có cơ hội tiếp tục làm việc với người đó, và người đó sẽ hiểu và tự sửa sai lấy chính hành động của mình. Rồi mọi việc sẽ tốt đẹp.”

 

Ở một đoạn khác, thiền sư Trungpa viết:

“Bạn có thể nhận lấy chất độc – thế nhưng hoàn cảnh còn lại sẽ trở nên thuốc chữa. Nếu có một người sẵn sàng nhận lấy sự chê trách, thì nó trở thành như một cuộc đấu banh chuyền. Nó không chặt chẽ như một trận cầu hay, nhưng có nhiều chất keo hồ để gắn bó. Mọi người cứ chuyền nó qua từ người này sang người khác. Cuối cùng trở thành một trận cầu lớn dần, và làm thay đổi tất cả thứ còn lại.

“Một khi có liên hệ đến chánh trị quốc tế, người nào đó sẽ luôn cố phiền trách người khác, và chuyền đi quả bóng khổng lồ, quá tô vẽ, bẩn thỉu, hôi hám, với đủ thứ giòi bọ ở bên trong. Người ta cứ nói: ‘Không phải của tôi, của anh đấy.’ Người cộng sản nói nó là của người tư bản, và người tư bản nói nó của người cộng sản. Ném bóng tới và lui mãi chẳng ích lợi gì cho ai. Thế nên, ngay cả trên quan điểm lý thuyết chánh trị – nếu có một thứ gì đó được xem như chánh trị trong Đại thừa hay trong Phật Giáo – điều quan trọng là có những cá nhân chịu nhận lấy các lời chê trách không đúng và làm việc từ trên đó. Điều đó rất quan trọng và cần thiết.”



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880