11.Sự ôn hòa của Dũng Sĩ

26 Tháng Mười 201811:24 SA(Xem: 1586)
11.Sự ôn hòa của Dũng Sĩ

 

11.Sự ôn hòa của Dũng Sĩ

20-2-2000

Tôi xem lại một số ghi chú về đức tánh của người Dũng Sĩ, một pháp tu của Tây Tạng.

Dũng sĩ cần đức tánh thứ nhất là sự ôn hòa. Ghi chú: giống như con cọp thoải mái (the relaxed tiger). Biết từ bỏ chiến thắng, danh vọng, bởi vì tự kính trọng mình và tin tưởng bản thân. Cần có cái nhìn xa rộng và tự tin. Không cần xin xỏ từ người khác. Bốn điều căn bản của nhẫn nhục ôn hòa (meek) là:

  1. Khiêm tốn, thành tín, chân thật, kỷ luật.
  2. Tin tưởng vô điều kiện.
  3. Không ngần ngại, tâm vượt trên mọi va chạm và kẻ thù.
  4. Dũng sĩ có sự phấn đấu ngoại hạng, thoải mái, đầy năng lực, tìm tòi.

Đức tánh thứ nhì là năng nổ (perky) hay là tràn trề năng lực, tươi vui trong kỷ luật bản thân. Ghi chú: giống như  con sư tử tuyết vui hưởng núi cao (the snow lion enjoys the mountain). Đức tánh này gồm có những điểm sau:

  1. Tâm đầy kinh nghiệm, sinh động, và vui tươi, luôn luôn vui thích dù không có gì đáng, đồng thời lại khiêm tốn, thức tỉnh, và sáng tỏ, mang theo một sự an vui tự nhiên, hành động phải khéo léo và phấn khởi.
  2. Không bao giờ để tâm vướng mắc nghi ngờ. Người này sống trên cõi cao, rất sáng tỏ và chính xác. Luôn luôn thức tỉnh và không lầm lẫn về những gì cần nhận và cần bỏ.

 

Đức tánh thứ ba là táo bạo . Ghi chú: giống như vua của loài chim bay vượt trên không gian (the king of birds beyond limits of space). Người này mang sức mạnh và uy lực của một chiến thuyền, dám xông tới không ngần ngại. Nhằm vượt qua sợ hãi, cần phải vượt qua hy vọng.

Dũng sĩ triển khai được một cảm thức tự do, buông bỏ các điểm tựa dùng để đo lường sự tiến bộ bản thân. Người này kinh nghiệm được một sự thoải mái tràn trề – không lo sợ và không hoàn hảo. Một tâm trí lớn lao, một thế giới lớn lao, một khả năng vô tận để phục vụ người khác.

Đức tánh thứ tư là thâm ảo (inscrutability), tức là sâu xa,  bất ngờ, khó ai có thể hiểu thấu, và táo bạo để đạt đến thành tựu. Ghi chú: giống như một con rồng đầy năng lực và mạnh mẽ phi thường (the dragon energetic powerful and unwavering). Trạng thái thâm ảo này phát triển được nhờ kinh nghiệm và tự tin, trở thành vô úy, nhưng vẫn giữ sự nhẹ nhàng, thiện cảm, vui vẻ, có phương pháp, thứ tự, và ngăn nấp.

Tóm lại, là một Dũng Sĩ cần phải lúc như một con cọp mạnh mẽ không lo sợ, lúc như một con sư tử tuyết an vui trên núi cao, hoặc một con chim chúa bay vượt không gian, và một con rồng đầy năng lực phi thường.

Dũng sĩ ở đây mang tính cách tâm linh, tự chiến thắng mình và vượt mọi chướng ngại dưới mọi dạng thức. Đây là một khái niệm tu tập để mang đến một ý nghĩa thực sự trong đời sống, một phương hướng dẫn dắt cuộc đời mình, một cảm giác vững chắc tận gốc rễ, và một nỗ lực tiếp tục mài dũa trí tuệ của mình.

Đừng bao giờ thay đổi chân tâm.

 

21-2-2000 – 11:30 giờ trưa

Con đường đạo thấy khó mà dễ và thấy dễ mà khó thật là đúng. Nhất là với chính bản thân mình, vì mình thấy mình khó hơn thấy người khác. Hoặc mình thấy cái sai của người khác dễ hơn cái sai của chính mình.

 

Quyển “Training the Mind and Cultivalting Loving-kindness” (Luyện Tâm và Vun bồi Từ ái) của Thiền sư Chogyam Trungpa là bản dịch của quyển “The Root Text of the Seven Points of Traning the Mind” (Kinh Gốc về Bảy Điểm Luyện Tâm” của Chekewa Yeshe Dorje. Đó là những khẩu hiệu (slogans) mà Ngài Atisha dạy cho những đệ tử ruột của mình, và được lưu truyền cho đến nay.

Đây là một vài đoạn (lược dịch) mà hôm nay tôi cần học hỏi để nhớ lại những lời nguyện của tôi trước Đức Phật tại cội Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng bên Ấn Độ, năm 1997.

 

“Đoạn 25: Đừng nói về những phế tật (Don’t talk about injured limbs).

“Do bởi sự tự phụ và công kích, bạn thích nói đến các khiếm khuyết của người khác như một lối dể tự thổi phồng mình lên. Điểm chính của khẩu hiệu này là đừng vui thích khi thấy người khác bị phế tật hay thương tích chân tay. “Phế tật” ở đây mang ý nghĩa trạng thái khiếm khuyết vật lý hay tâm lý của người khác, bị mù, câm, hoặc nhược trí, các loại khuyết tật thân thể thường thấy nơi con người.

“Cần ghi nhớ là nếu một người có vấn đề khó khăn trong đời sống, đừng làm gia tăng thêm bằng cách nhắc nhở điều đó. Cứ chấp nhận và sinh hoạt tùy theo trạng thái của người đó.

 

“Đoạn 26: Đừng chấp nhặt người khác (Don’t ponder others).

“Chấp nhặt ở đây có nghĩa là khó chịu và chỉ trích những lỗi và vấn đề nhỏ người khác gây ra. Một trong những vấn đề mà ta thường có là khi người nào làm việc gì trái ý  hay vi phạm nguyên tắc của ta, ta cứ chấp nhặt điều đó mãi. Ta muốn trả đũa hoặc xem người đó có chuyện gì không để tấn công họ. Lấy thí dụ, bạn đang thực hành tong-len và cố gắng quá mức, đến độ thành quá công kích. Bạn nghĩ mình đã trải qua rất nhiều, và sự nỗ lực cá nhân khiến mình thành người có giá trị. Thế nên, khi gặp người nào không có được điều bạn có, bạn xem thường người ấy. Khẩu hiệu ở đây rất giản dị: đừng làm điều đó.

 

“Đoạn 27: Làm việc với  trược lớn nhất trước (Work with the greatest defilements first).

“Bạn phải làm việc trên thứ gì được xem là chướng ngại hay trược nhiễm lớn nhất trong bản thân ta – cho dù đó là tính hay công kích, đam mê, tự phụ, kiêu mạn, ghen ghét, hay là tính xấu nào ta có. Không nên nói, “Tôi ngồi thiền nhiều hơn trước, và sẽ giải quyết các thứ khác sau.” Làm việc với trược lớn nhất có nghĩa là làm việc với những gì nổi bật trong số kinh nghiệm và vấn đề của ta. Ta không làm việc với phân gà, mà là làm việc với chính con gà.

“Nếu ta có các vấn đề về triết lý, siêu hình, văn chương, nghệ thuật, hoặc kỹ thuật liên hệ đến một chứng bệnh tinh thần nào đó, phải đem nó ra làm việc trước các thứ khác. Khi có bất cứ vấn đề nào, phải làm việc trên vấn đề đó trước. Tuy rằng phải ứng dụng pháp để thanh lọc mối trược đó, nhưng không nên cố đi đến một thành quả nào đó. Nghĩa là phải cố làm việc và thanh lọc chúng, nhưng đừng xem chúng là đồ bỏ đi. Chỉ làm việc một cách trực tiếp và thẳng thắn để giải quyết mối trược hay vấn đề của chính bản thân.”

 

Ngoài đoạn sách đạo mà tôi đang cố thực tập nêu trên, tôi phải đọc đi đọc lại những câu mà tôi đã ghi chép lại từ những quyển sách đã đọc như sau:

 

*Slowing down any impulse is said to be the best way to begin.

(Làm chậm lại bất cứ thứ xung động nào là một cách khởi đầu tốt).

 

*The notion of generosity brings freedom from inhibition. The relaxation develops.

(Ý niệm về lòng bao dung đưa đến tự do thoát khỏi sự cấm đoán. Sự thanh thoát sẽ triển khai).

 

*When you are at ease, you find a state of free healthy mind.

(Khi bạn thoải mái, bạn sẽ tìm được trạng thái tâm tự do lành mạnh).

 

*The warrior never becomes a slave of his own deed.

(Người chiến sĩ không bao giờ trở thành nô lệ cho chính hành vi của mình).

 

*In order to overcome fear, it is also necessary to overcome hope.

(Nhằm vượt thoát sợ hãi, cần phải vượt thoát hy vọng).

 

*The cause of authentic presence is the merit you accumulate, and the effect is the authentic presence.

(Nhân của hiện diện thật sự chính là công đức bạn tích tụ được, và quả chính là sự hiện diện thật sự).

 

*When there is harmony, then there is also fundamental wealth.

(Nơi nào có hòa hợp, nơi đó cũng có phú túc nền tảng).

 

*The more we give, the more we are inspired to give constantly. And the gaining process happens naturally, automatically.

(Càng cho nhiều, ta càng hứng khởi muốn cho mãi. Và tiến trình thành đạt sẽ diễn ra một cách tự nhiên, tự động).



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880