3- Cảm nghĩ về Đại Lễ Khai Đạo 60 năm

23 Tháng Mười 20181:47 CH(Xem: 1714)
3- Cảm nghĩ về Đại Lễ Khai Đạo 60 năm

3- Cảm nghĩ về Đại Lễ Khai Đạo 60 năm

 

Ở tại hải ngoại, cũng như hàng năm, Ngày Đại Lễ Khai Đạo Phật Giáo Hòa Hảo được tổ chức tại Southwest Senior Center ở Santa Ana, gần Hội quán P.G.H.H. Nhân dịp này, Vũ Hùng, đài Á châu Tự do cũng phỏng vấn tôi tại hội trường hành lễ. Tôi trả lời một số câu hỏi của đài như sau.

 

Tôi hết sức xúc động khi nghĩ đến những thăng trầm trong lịch sử mà Phật Giáo Hòa Hảo đã trải qua từ thời Pháp thuộc cho đến nay. Tín đồ P.G.H.H. đã đổ không biết bao nhiêu máu và nước mắt cũng chỉ vì muốn bảo vệ Chánh Pháp mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã khai sáng.

Đại Lễ năm nay có một ý nghĩa đặc biệt là đúng 60 năm kể từ năm 1939, tức năm Kỷ Mão, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã khai sáng nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo.

Mặc dù tôn giáo của chúng tôi đã nhiều lần bị đàn áp cấm đoán, nhưng P.G.H.H. đã không ngừng phát triển bởi đã đáp ứng đúng với tinh thần yêu chuộng Đạo Pháp và phục vụ dân tộc của người Việt Nam.

Tại Việt Nam hiện nay, tuy 24 năm qua chánh quyền đã cấm đoán P.G.H.H. hoạt động, cũng như phổ truyền giáo lý, nhưng P.G.H.H. đã không ngừng phát triển, vì tín đồ đã âm thầm truyền đạo bằng cách học thuộc lòng để phổ truyền giáo lý của Đức Thầy. Ngoài ra, vâng theo lời dạy của Đức Tôn Sư, tín đồ P.G.H.H. trong nước đã thực hiện công tác từ thiện hết sức mạnh mẽ ở khắp các tỉnh miền Tây và hiện nay tại Sàigòn và các tỉnh khác.

Tại miền Tây, các phòng thuốc và châm cứu miễn phí đã hiện diện khắp nơi để cứu giúp đồng bào đồng đạo nghèo đau ốm, hoặc các trại hòm miễn phí để giúp cho những người chết quá nghèo gia đình không đủ sức lo chôn cất. Ngoài ra còn có những tổ chức phước thiện tại các nhà thương để phát cơm chay, cháo hay nước sôi giúp các bệnh nhân và gia đình của họ.

Tại hải ngoại, Đại Lễ năm nay đặc biệt có đồng đạo Henri Trần, con của bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, đến từ Úc châu, mang theo thủ bút và tóc của Đức Thầy triển lãm tại Hội quán Phật Giáo Hòa Hảo Miền Nam Calfornia. Ngoài ra còn có giáo sư Nguyễn Chí Linh, con của cụ Nguyễn Ngọc Tố một cao đồ của Đức Thầy, đến từ Paris, các đồng đạo cao niên, như cụ Lý Bá Phẩm, Nguyễn Bửu Trân, và nhiều tín đồ đại diện các Ban Trị Sự khác, ở các tiểu bang khác về tham dự, như Arizona, San Jose, Sacramento, New Mexico, Atlanta, San Diego, vân vân...

 

Ông Huỳnh Lương Thiện, đài phát thanh San Jose cũng gọi điện thoại xuống Nam California phỏng vấn tôi về  ngày Đại Lễ. Ông Huỳnh Lương Thiện là giám đốc nhà xuất bản Mõ Làng đã xuất bản hai cuốn sách đầu tiên của tôi là Cô Bé Làng Hòa Hảo và Hồn Thiêng Dân Tộc. Sau đây là những câu trả lời của tôi qua làn sóng của đài.

 

Đại Lễ kỷ niệm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng Phật Giáo Hòa Hảo năm nay có ý nghĩa rất đặc biệt, vì Đức Thầy khai đạo vào ngày 18 tháng 6 năm Kỷ Mão 1939. Năm nay vừa đúng chu kỳ 60 năm. Đó là ngày kỷ niệm “đệ lục thập chu niên” mà Ngài đã khai sáng một nền đạo Phật Giáo dân tộc. Đặc biệt hơn nữa, ngày Đản Sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ là ngày 25-11 âm lịch lại rơi đúng vào ngày 1 tháng 1 năm 2000.

 Sau 1975, vào ngày 31-7-1995, nhà cầm quyền Việt Nam đã tụ họp 1500 tín đồ P.G.H.H. tại thị trấn Thốt Nốt, tỉnh An Giang để giải tán Giáo Hội P.G.H.H. và các tổ chức thanh niên, phụ nữ và Dân Xã Đảng, cùng tịch thu tất cả tài sản, cơ sở đạo. Họ bắt rất nhiều vị lãnh đạo P.G.H.H. cầm tù, cấm phát hành Sám Giảng Thi Văn Giáo Lý, băng giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Nhiều nơi phải dẹp hình Ngài và treo ảnh Hồ Chí Minh lên. Suốt 24 năm qua, họ hoàn toàn không cho tín đồ tổ chức một buổi lễ nào và ra lệnh phải tu hành tại gia.

Sau bản tường trình của ông Armor về việc C.S.V.N. kềm kẹp tôn giáo, cộng với việc muốn được hưởng tối huệ quốc, nên họ đã tổ chức Giáo Hội P.G.H.H. Quốc Doanh và cho một cán bộ cộng sản là Mười Tôn làm Trưởng Ban. Tuy nhiên, khi vừa thành lập ban vận động P.G.H.H. thì ngày hôm đó, 19-4-1999, nhà cầm quyền đã ký nghị định tôn giáo 26/1999/ND/CP để kềm kẹp và tuyên bố không trả các cơ sở đã tịch thu.

Thật ra ngoài lý do sự bất lợi đối với dư luận quốc tế về bản tường trình cho Liên Hiệp Quốc của ông Armor và việc muốn hưởng tối huệ quốc của Hoa Kỳ, còn một lý do quan trọng nữa là việc tín đồ P.G.H.H. trong nước đã có quyết tâm dù sống chết gì cũng tổ chức cho được lễ kỷ niệm 60 năm thành lập đạo P.G.H.H. năm nay.

Các tín đồ lão thành trong nước đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Vào ngày 9-4-1999, họ đã nhờ bác sĩ Đỗ Văn Hội, thành viên của Hội Ân Xá Quốc Tế, chủ tịch cộng đồng Việt Nam tại Florida, tuyên đọc lá thơ của tín đồ P.G.H.H. thầm lặng từ Thánh Địa nhờ Liên Hiệp Quốc can thiệp cho họ được tổ chức Đại Lễ năm nay. Tín đồ cũng nhờ Ban Trị Sự P.G.H.H. tại Úc châu tranh đấu tại Hội nghị Kinh tế Á châu nhóm họp vào 26-3-1999 tại Bangkok, Thái Lan.

Tóm lại, dù có Ban Đại diện Quốc Doanh tổ chức hay không, tín đồ trong nước cũng nhất định về Thánh Địa Hòa Hảo cử hành Đại Lễ.

Tại Việt Nam, chính quyền địa phương không ngờ số người tham dự quá đông, lên đến hàng triệu người, nên đã tìm mọi cách ngăn chận.

Tín đồ tràn về Thánh Địa Hòa Hảo càng ngày càng đông, từ 14 đến rằm tháng 5. Chánh quyền bèn ra lệnh ở địa phương nào thì tổ chức tại các xã, ấp đó, và họ tổ chức thêm một địa điểm Sàigòn là Trung tâm Phụ nữ số 202 đường Võ Thị Sáu. Nhưng không ngờ là tín đồ tổ chức ở các địa phương xong là mau mau kéo về Thánh Địa.

Công an ngăn chận ở các bến đò các phái đoàn đông người khiến họ phải trả vé xe đò và quay trở lại. Những người đi riêng thì băng đồng, lội bộ vào, vì tại Thánh Địa quá đông người ta phải đẩy nhau đi. Ở Cả Đầm từ chùa Cây Xanh và chợ Mỹ Luông đã bị cấm xe.

Ngoài 6 trạm cơm miễn phí, người tham dự còn tự lo ăn từng nhóm trên ghe. Mỗi trạm cơm nấu một lần 10 nồi, mỗi nồi khoảng 2 giạ rưỡi, vậy mà không kịp cho khách thập phương ăn. Họ đi đông quá vì khao khát đạo sau suốt 24 năm bị kềm kẹp.

Đại Lễ tổ chức tại chùa An Hòa Tự (Chùa Thầy). Họ lập khán đài trong khuôn viên chùa. An Hòa Tự tại Phú An, tỉnh An Giang. Nhà nước Việt Nam  muốn xóa tên địa danh Hòa Hảo của Đạo nên chia đôi nơi này và đặt là huyện Phú An và Phú Mỹ.

 

Tôi cũng cho biết sắp xuất bản quyển “Lên Đường,” đó là một bút ký ghi lại những chuyến đi thăm các trại tị nạn Thái Lan, Nhật Bản, Hồng Kông vào tù thăm người tị nạn bị cưỡng bách hồi hương. Những chuyến đi Âu châu, tranh đấu cho thuyền nhân hay dự hội nghị Dân Chủ Hóa Đông Âu do Tổ chức Phục Hưng thực hiện, cũng như chuyến đi hành hương Ấn Độ viếng các nơi Đức Phật Thích Ca đã tu hành và đắc đạo, vân vân...



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880