4. Tù nhân lương tâm được thả

13 Tháng Tư 20171:04 CH(Xem: 2282)
4. Tù nhân lương tâm được thả

4. Tù nhân lương tâm được thả

Thứ Tư 2-9-1998 – 11:00 giờ

Báo Los Angeles Times hôm nay có đăng bức ảnh của giáo sư  Đoàn Viết Hoạt khi ông đến phi trường Bangkok – Thái Lan. Ông mang kính cận gọng đen, sơ mi dài tay nút đen, cổ gài kín không mang cà vạt. Trán ông hói, mũi to, miệng đang hé ra giơ mấy cái răng cửa. Có lẽ ông đang tuyên bố điều gì cùng báo chí. Hai tay ông đang cầm một mảnh giấy hay một bao thơ vuông.

Theo cô Tini Trần viết, thì ông Đoàn Viết Hoạt là một trong 5219 tù nhân vừa được phóng thích. Ông tuyên bố cùng báo chí Thái Lan là ông bị bắt buộc phải ra đi khỏi nước. Ông Đoàn Viết Hoạt và bác sĩ Nguyễn Đan Quế được tòa đại sứ Mỹ nhận vào Hoa Kỳ, nhưng bác sĩ Quế đoàn tụ với gia đình ở Việt Nam và cho biết không có ý định sang Mỹ.

Được biết có ít nhất 49 tù nhân lương tâm. Các vị tu sĩ lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thả là Hòa Thượng Thích Quảng Độ, các Thượng Tọa Thích Trí Siêu và Thích Tuệ Sĩ. Các Ngài Thích Huyền Quang, Thích Trí Tựu và Thích Không Tánh vẫn còn bị giam giữ.

Ngoài ra còn có Jimmy Trần, Lý Tống người Việt gốc Mỹ cũng được thả nữa. Phóng viên Tini Trần nhắc lại chuyện Lý Tống uy hiếp phi hành đoàn để rải 50.000 truyền đơn xuống thành phố Sàigòn kêu gọi lật đổ chánh quyền cộng sản.

Lúc 7:30 giờ sáng, đài Little Saigon Radio có tiếp vận chương trình của đài BBC Luân Đôn. Chương trình bằng Việt ngữ dịch bài Anh ngữ của đài, nên cách sắp xếp các bản tin cho thấy tin mà người Việt Nam quan tâm chỉ là những tin thường, đặt sau tin Hoa Kỳ như Tổng thống Clinton khuyến khích người Nga nên tiếp tục cố gắng bảo vệ nền kinh tế cho dù đồng tiền Nga đang xuống giá nhanh.

Hôm trước, ông Vũ Quang Ninh, tổng giám đốc của đài Little Saigon Radio nói mỗi năm tiền tiếp vận hai đài phát về Việt Nam tốn đến cả trăm ngàn. Ông cho biết làm phát thanh rất khó khăn vì nhiều cạnh tranh quá. Bao nhiêu tiền đều phải trả hết vào chi phí. Ông say sưa nhắc thời ông làm phát thanh ở Việt Nam trước 1975.

Thứ Năm 3-8-98 – 10:30 giờ sáng

Tôi thức dậy lúc 5:30 giờ. Người tôi đau như tất cả xương đều gẫy hết. Tôi nhớ lại lúc khuya mưa rất nặng hạt. Chiều hôm qua Tài bảo trong khi ở quận Cam nơi tôi đang ở nóng hừng hực, thì tại sở anh ở Santa Fe Spring trời mưa như trút nước, nhiều nơi khác cũng mưa to và đường phố ngập lụt.

Tôi nhớ lời giảng của Đức Thầy:

Trời mưa nắng sái mùa sái tiết,

Nắng cùng mưa đã khác xưa rồi.

Tôi chỗi dậy, kéo màn cửa sổ nhìn sang dãy chung cư ở phía sau. Khu nhà yên lặng sạch sẽ, con đường nhựa ướt dưới trời mưa lâm râm. Các hàng xe hơi đủ loại đậu dọc hai bên lề xếp hàng dài.

Nơi xứ người có mưa gió bất thường người dân cũng ấm thân ăn no ngủ kỹ. Tôi nhớ quê nhà thắm thiết. Mưa nắng bất thường gây bệnh dịch hoành hành, trẻ con chết hàng loạt vì sốt xuất huyết và cảm nặng... Tôi buông vội màn xuống. Hình như đầu óc tôi không ngớt suy nghĩ. Muốn mạnh khỏe tôi cần để cho nó trống không.

Tôi không phân định được các cơn đau trong người và đầu mình là do đâu? Do mổ, do suy nghĩ, hay do thiên tai? Bao nhiêu cơn đau đầu từng xảy đến vì các cơn bão, và động đất trước đây. Sao tôi sống gần với biến chuyển của thiên nhiên vậy?

Bên ngoài trời bắt đầu có chút nắng. Bao lơn, bàn ghế, bàn thông thiên đều thật sạch vì sáng nay tôi có nhờ Tài xịt nước rửa các vết bùn do mưa pha với bụi. Tôi vẫn chưa thắp nhang ở bàn thông thiên vì sàn gạch bao lơn còn ướt. Tôi sợ té rách vết mổ đang từ từ lành lại.

Sáng nay Thịnh đổi thời khóa biểu của tôi. Thịnh đang làm hãng điện thoại Pacific Bell được trên bốn tháng nay, nhưng muốn tìm việc làm khác lương cao hơn. Mấy hôm nay đã trải qua bao cuộc phỏng vấn. Sáng nay Thịnh có hẹn tại một công ty đầu tư lúc 10:00 giờ.

Thịnh nhờ tôi tiếp tay làm một danh sách của những người có lương cao cỡ 100.000. Thế là tôi kể ra hết từ bà bác sĩ gia đình cũ đến bà bác sĩ gia đình mới, đến bác sĩ vừa mổ cho tôi lẫn bác sĩ làm mắt kiếng. Rồi các bác sĩ quen với các luật sư cùng tranh đấu cho người tị nạn. Sau cùng đến bạn bè của Tài. Tới chừng tìm không ra người nữa, tôi cho Thịnh tên các ông bà giám đốc đài Radio Bolsa, Radio VNCR, Radio Little Saigon, Little Saigon TV. Cuối cùng tôi kê luôn các ông bà nhà báo nhà chí. Nào là nhật báo Người Việt, Việt Báo Kinh Tế, Viễn Đông Kinh Tế Thời Báo, tuần san Thời Báo, Hồn Việt, Việt Nam Tự Do, vân vân... Tôi đề nghị Thịnh ghi mức lương bổng vô giùm, vì thực ra khó đoán lương các chủ báo lắm. Tôi nghe nói chủ nhiệm Thời Báo là Du Miên, vừa viết bài, vừa đi lấy quảng cáo, và kiêm luôn phát hành, thì làm sao biết được bao nhiêu lương đây?

Thứ Năm 3-9-1998 – 12:00 giờ trưa

Cường vừa đi đến văn phòng tìm việc của đại học Long Beach thì Thịnh về nhà. Hôm qua thì Cường cũng đã được một công ty tìm việc phỏng vấn, họ nói có thể có việc cho Cường vào thứ hai tuần tới. Thấy các con vất vả đi xin việc tôi thương lắm, nhưng tôi thấy như vậy mới tốt cho chúng.

Hồi còn trung học, Thịnh làm ở cửa tiệm Target. Thịnh làm hai tuần chỉ đủ tiền mua đôi giày.

Lúc đó Thịnh gần ra trung học vừa ở trong ban hòa tấu và trong đội banh bóng chuyền. Mỗi môn thực tập một tuần hai lần. Thứ Bảy đi giao đấu với các trường bạn. Vậy mà tôi vẫn thúc Thịnh đi tìm việc.

Có một lần Thịnh đi bán thú nhồi bông. Tài khuyến khích Thịnh bằng cách ra ý kiến nếu Thịnh làm được bao nhiêu anh sẽ trả thêm bấy nhiêu vì hãng đó không trả tiền giờ mà chỉ trả huê hồng.

Sau khi ra trường, Thịnh học thêm một môn phụ vừa đi làm cho hãng điện thoại Sprint PCS. Vào mùa lạnh Thịnh phải mặc nhiều áo, có khi đội nón nỉ vì phải đứng bán hàng ở các quầy nhỏ ngoài trời. Tôi thấy đau lòng, nhất là Thịnh có gốc bệnh suyễn và hay sổ mũi vì bị dị ứng. Nhiều đêm về nhà 10, 11 giờ đêm trời giông bão, gió thổi mạnh, Thịnh than: “Lạnh quá mẹ ơi!” Tim tôi thắt lại, nước mắt muốn rơi...

Bên ngoài nắng đã lên, mây tan dần để lộ mấy mảnh trời xanh biếc. Sân sau nhà khô nước, tôi ra thắp nhang. Trời nóng hừng hực. Tôi rót đầy ba chun nước và chăm thêm nước vào lọ hoa cúc trên bàn thông thiên. Mấy hôm trước nắng quá, buổi chiều các chun nước cúng cạn khô.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880