3. Từ Bỏ và dám làm

13 Tháng Tư 201712:51 CH(Xem: 1994)
3. Từ Bỏ và dám làm

3. Từ bỏ và dám làm

Thứ Hai 31-8-98 – 9:25 giờ

Một con quạ đen bay từ nóc của dãy nhà trước mặt tôi về phía trái của khung trời màu xanh nhạt. Vẫn không một bóng mây. Gió nhẹ quá nên chỉ vừa đủ cho một vài sợi lá của tàu dừa hoàng hậu lay động. Ngoài tiếng chim kêu thưa thớt là tiếng động của chiếc máy lạnh nhà hàng xóm sát bên có hai em bé ở nhà với chị vú người Mỹ còn trẻ.

Nhang trên bàn thông thiên đã cháy một nửa. Khói hương bay nhè nhẹ trong không gian, ngang qua bình bông trắng với ba đóa hướng dương màu vàng rực rỡ như ánh mặt trời tỏa quanh nhụy màu nâu, cắm chung cùng hai đóa hoa cẩm chướng vàng nhạt. Tiếng động cơ của một chiếc xe vụt chạy sau bức tường xi măng trộn sỏi đá sau nhà. Trên trời vọng xuống tiếng động cơ của máy bay xa dần, rồi tiếng chuông đồng hồ trên cửa bếp gõ đính đong chỉ 9 giờ 30 phút.

Hôm nay khi lạy, tôi đã cúi xuống được thấp hơn các hôm trước. Đầu còn cách mặt chiếu khoảng hai gang tay. Tôi đã đỡ đau nơi vết mổ.

Khi chấp tay nhìn lên tấm trần dà, tôi khẩn nguyện Phật Tổ, Phật Thầy phò hộ cho tôi có sức khỏe lẫn tinh thần được sáng suốt để phục vụ Đạo Pháp, Tổ Quốc Việt Nam và Hòa Bình Thế Giới.

Tôi nhỏ bé hơn hạt cát ở sông Hằng. Tại sao tôi cứ mãi khấn đại nguyện. Tôi thường hay viết ra những điều mình nghĩ để làm kim chỉ nam, để cho mình phải thực hiện những gì mình đã cố ý viết ra chứ đừng quên lãng. Làm sao để tôi có thể thực hiện được những gì tôi viết, tôi biết rất rõ là những gì mình nghĩ, mình nói, mình viết nếu muốn thực hiện là phải đạp đổ muôn ngàn khó khăn, trong đó có cái khó khăn lớn nhất là khả năng giới hạn của mình.

Lời của Nietzche như khuyến khích tôi: “Muốn mạnh mẽ hơn phải có đi đến quyết định một cách từ từ, và phải bền bĩ theo đuổi những gì mình đã quyết định. Rồi mọi việc sẽ từ từ theo sau.”

Lời khuyến khích tuy có hiệu lực nhưng mọi việc có đến như mình mong ước không?

Thứ Ba 1-9-98 – 8:40 sáng

Trời mát rượi mặc dù radio và tivi đã báo trước là hôm nay cũng nóng trên 100 độ như hôm qua. Gió thổi hây hây. Lá cây trong vườn lay động, cả vạt áo tràng nâu của tôi.

Trên trời bỗng chốc không còn một bóng mây nào cả. Tất cả chỉ là một màu trắng đục. Xa xa trước mặt, nền trời chuyển dần sang sắc xám. Phía mặt của tôi là biển trời xanh có mây trắng trong. Bên trái tôi, giữa khung trời màu trắng đục, ánh hào quang mặt trời chói chang sáng rực.

Tuy nhiên, khi ánh sáng rọi vào khu vườn lại trở nên dịu dàng với những tia nắng vàng nhạt, khiến mọi vật trở thành đáng yêu, rõ nét, nhẹ nhàng, tràn trề sức sống an lành.

Hôm nay tôi ngồi nơi hành lang sau vườn nhà. Hành lang được cất vuông vức, đủ rộng để đặt một chiếc bàn và bốn cái ghế nhựa trắng với vài chậu hoa. Chúng tôi phải bỏ hành lang cũ của hãng thầu để xây rộng ra mới có chỗ ngồi và chỗ đứng cúng lạy trước bàn thông thiên.

Bên phía mặt của hành lang có một cái thang nhỏ đưa xuống vườn, đi thẳng về phía trước sẽ đến góc vườn nơi có bồn phun nước và cây bồ đề nhỏ do thầy Thích Phước Bổn tặng. Cây bồ đề trồng trong một chậu sành nâu sậm có tô hai con rồng. Hôm nay lá bồ đề mọc ra nhiều và xanh tươi. Tôi ngắm nhìn lá non và tự nhiên thấy lòng vui sướng phấn khởi.

Gần cây bồ đề, tôi có trồng bụi chuối và mấy cây bạc hà mẹ cho. Không hiểu sao mấy cây bạc hà lại trổ hoa trắng tròn xinh xắn. Tôi cũng trồng đủ loại hoa cúc, mỗi lần cắt hết hoa trong chậu để cúng Phật, tôi trồng mấy gốc hoa vào đây. Loại cây này thường hay ra cây con nhiều và mọc khá nhanh, có thể phá các loại cây khác, nên tôi đặt chung một chỗ cho chúng tha hồ nảy mầm.

Hôm thứ Sáu tuần rồi, tôi nghe tin mẹ té nữa, lần này bầm đầu gối, sưng tay, trầy trán, vì vậy tôi nhờ Cường chở đến ở săn sóc mẹ. Chị Nhã Ca và Hồng Liên ghé nhà thăm bất ngờ nên không gặp tôi. Hai người thích thú hái trộm mấy trái cà chua bên hông vườn nhà tôi.

Từ hôm qua, tôi không còn lấy bình nhỏ xịt hoa hay pha thuốc vào chậu tưới lan hai lần một tuần nữa. Sau khi lạy ở bàn thông thiên xong, tôi mở vòi nước lớn tưới lan thật nhiều cho mát mẻ. Nước xịt mạnh quá làm tôi ướt cả hai vạt áo tràng nâu.

Từ hôm mổ đến nay, tôi thấy tánh tình tôi có phần thay đổi. Ý chí bên trong cương nghị hơn, nhưng thái độ bên ngoài nhu hòa hơn. Có vẻ tôi dễ dàng nhượng bộ hơn và ít nóng giận. Tôi lại thực tập, và tự nhắc nhở là phải để đầu óc trống không. Khi nào đặt bút xuống là viết chứ đừng suy nghĩ miên man. Đừng để cái muốn xâm chiếm, dù là muốn viết hay ghi lại những suy tưởng. Phải tập tự do ngay cả đối với chính mình.

Một người muốn từ giã cõi đời, muốn rũ sạch tất cả để đi tu, nếu cần nhập thế thì phải làm sao?Những lời của thiền sư Chogyam Trungpa dạy trong chương “Từ bỏ và Dám làm” như vang vang trong tôi.

Có phải những người cùng tìm đường đi đến sự phục vụ cho tha nhân đều rồi cũng gặp nhau ở một điểm nào đó. Điểm hạnh phúc trong cô độc. Cô độc trong tư tưởng, cô độc để không quên con đường mình lựa chọn. Cô độc vì giác ngộ rằng thế giới này không phải là của mình mà chỉ là nơi mình đến để xả thân phục vụ. Vậy thì tại sao cứ mãi muốn người khác phải hiểu mình. Cô đơn và đạo phải chăng là hai mặt của đồng tiền, cả hai không thể thiếu lẫn nhau. Nếu không cô đơn thì không biết đạo, và chỉ gặp đạo khi cô đơn. Ta chỉ có thể sống đơn độc mới gặp đạo và đạo chỉ có một con đường duy nhất: Độc Đạo!

Thiền sư Trungpa quả có lý là mình nên ăn mừng cho mỗi giai đoạn, hoàn cảnh, cảnh ngộ trong đời sống. Lúc thăng lúc giáng, lúc “nóng” vội vã, lúc “lạnh” thâm trầm.

Hè năm rồi, vì muốn an thân yên tịnh, tránh các buổi hội hè tiệc tùng, tôi kiếm cớ mổ cục xương (bunion) hơi thừa bên hông bàn chân, dưới ngón cái. Hai con tôi phải bế tôi lên xuống lầu, bếp núc lạnh tanh. Tôi có chút hối hận cho sự ích kỷ thầm lặng của mình. Thời gian đó tôi đã sống nhiều vào các giai đoạn trong quá khứ khi đọc các sách sử ghi chép bao cuộc chiến đấu hào hùng chống giặc ngoại xâm của tiền nhân.

Tôi cần bổ túc cho những thiếu sót của mình, vì thuở nhỏ đã theo cha mẹ lưu vong, rày đây mai đó, khi học trường Việt, khi học trường Pháp ở bên Cao Miên. Có những lúc học lịch sử Pháp, tôi phải gọi nước Pháp là “quê hương tôi” hay “nước tôi.” Rồi sau 1975, đi học lại ở Hoa Kỳ khi đi tị nạn, tôi gọi nước Mỹ là “nước tôi” khi học bài hoặc làm bài.

Tôi phải tự vun trồng cho gốc rễ của mình vững chắc thì cái gốc của các con tôi mới vững mạnh. Đó là phương diện nguồn gốc, còn đời sống tâm linh của tôi ra sao? Nếu không có tín ngưỡng, không có đạo, cuộc đời tôi sẽ đi về đâu? Tôi đã may mắn có đạo, thì phải vun bồi cho nở hoa kết trái.

Nếu cuộc đời tôi không được may mắn học hỏi của Đức Phật, Phật Tổ, Phật Thầy, Đức Huỳnh Giáo Chủ, và những thiền sư của thế giới, thì tôi sẽ ra sao. Nếu không nhờ lời dạy của các bậc vĩ nhân tôi chỉ là một xác chết biết đi mà thôi. Một cuộc đời vô dụng! Chẳng đáng quan tâm! Chẳng đáng làm người!



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880