9. Tinh thần khách quan của Phật Giáo

13 Tháng Tư 20175:48 CH(Xem: 2169)
9. Tinh thần khách quan của Phật Giáo

9. Tinh thần khách quan của Phật Giáo

Monterey, Chủ nhật 5-12-1998 – 10:20 giờ tối

Theo Đại đức Rahula trong quyển “Con Đường Thoát Khổ” do Sư cô Trí Hải dịch, thì Phật Giáo không bi quan cũng không lạc quan. Phật Giáo có một quan điểm thực tiễn về nhân sinh và vũ trụ. Phật Giáo nhìn sự vật một cách khách quan.

Ông viết rằng Đức Phật khác với các vị Giáo Chủ những tôn giáo khác. Ngài đã không tự xưng là gì khác hơn một con người. Ngài tuyên bố tất cả những gì đã thực hiện được, đạt đến được và hoàn thành được, đều hoàn toàn do nỗ lực và trí tuệ con người. “Một con người và chỉ có một con người mới có thể trở thành một Đức Phật. Mọi người đều mang trong mình khả năng trở thành một vị Phật nếu họ muốn và nỗ lực.”

Đại đức đã đúc kết hầu hết những Giáo lý tinh yếu và căn bản của Đức Phật trong quyển sách này. Đấy là những thuyết Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Ngũ Uẩn, Nghiệp Báo, Luân Hồi, Duyên Khởi, Vô Ngã, và Niệm Xứ.

Tứ Diệu Đế là Bốn Chân Lý cao cả gồm Khổ (Dukkha); Tập (Samudaya), sự phát sinh hay nguồn gốc của khổ; Diệt (Nirodha), sự chấm dứt đau khổ; và Đạo (Magga), con đường đưa đến sự chấm dứt khổ.

Chân lý thứ nhất, Khổ Đế, theo Đại đức Rahula, thường được các dịch giả phiên dịch và giải thích sai lạc là “Chân Lý cao cả về sự khổ” và “theo Phật Giáo sự sống là đau khổ.”

Theo ngài, Phật Giáo không ru ngủ tín đồ bằng cách đưa con người vào một thiên đường của người ngu, cũng không làm người hãi hùng thất kinh với đủ thứ sợ hãi tưởng tượng và đủ mọi tội lỗi. Phật Giáo chỉ nói cho ta biết một cách chân xác và khách quan về ta và xung quanh là gì, và chỉ rõ con đường đưa đến tự do hoàn toàn, thanh bình, an ổn, và hạnh phúc.

Chân lý thứ nhất, Khổ, chữ Phạn là Dukkha, trình bày quan điểm của Đức Phật về nhân sinh và vũ trụ. Dukkha bao hàm nhiều ý nghĩ sâu sắc hơn là “khổ.” Có thể nhìn từ ba phương diện: Thứ nhất trong ý nghĩa thông thường Dukkha là khổ khổ; thứ nhì Dukkha phát sinh do vô thường, chuyển biến, hoại khổ; và thứ ba, Dukkha vì những hoàn cảnh giới hạn của sinh tử, hành khổ.

Khổ khổ là tất cả những hình thức khổ thể xác và tinh thần, những điều mà ai cũng nhận biết là đớn đau, như sanh, lão, bệnh, tử, chia lìa, vân vân...

Hoại khổ là những khổ đau phát sinh do sự biến chuyển, vô thường, như cảm giác hoan lạc, hoàn cảnh hạnh phúc không trường cửu, vân vân...

Hành khổ, hình thức thứ ba rất quan trọng, hay là “cái tôi,” bao gồm ngũ uẩn là sắc uẩn, thọ hay cảm giác, tưởng hay tri giác, hành uẩn hay tạo tác của tâm lý, và cuối cùng là thức uẩn.

Uẩn thứ nhất hay sắc uẩn gồm tất cả thế giới vật thể thuộc nội tâm cũng như ngoại giới, và những chất do tứ đại là đất, nước, gió, lửa, hay năm căn như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cùng những đối tượng ngoại giới tương đương như sắc hình, âm thanh, mùi vị, và những vật có thể đụng chạm, tiếp xúc như sắc, thanh, hương, vị, xúc, giác.

Uẩn thứ hai là thọ uẩn, hay cảm giác được cảm nhận qua tiếp xúc với những cảm quan vật lý và tâm lý (căn) và thế giới bên ngoài (cảnh).

Uẩn thứ ba là ý, là một giác quan, hay cơ quan như mắt, tai... Nó có thể được điều khiển, phát triển như bất cứ giác quan nào khác, và Đức Phật thường nhắc nhở khá nhiều về giá trị của sự chế ngự và điều phục sáu căn. Chúng ta không thể được nhận biết quan niệm bằng khả năng của mắt, tai, mũi, lưởi, thân, mà chúng ta chỉ có thể được quan niệm nhờ một căn khác là ý.

Uẩn thứ ba cũng gọi là tưởng, được phát sinh do sự tiếp xúc giữa sáu căn và ngoại giới. Chính những tri giác này, nhận biết sự vật là vật lý hay tâm linh.

Uẩn thứ tư là hành uẩn, những sự tạo tác của tâm thức, bao gồm tất cả các hoạt động của ý chí tốt hay xấu.

Đức Phật giảng, thức, uẩn thứ năm, được gọi tên tùy theo bất cứ điều kiện nào nhờ đấy mà nó phát khởi. Thí dụ như nhờ con mắt và những hình sáng mà một thức phát sinh, được gọi là nhãn thức. Nhờ mũi thì gọi là tỷ thức, nhờ lưỡi là thiệt thức, nhờ thân là thân thức. Khi nhờ tâm ý và những đối tượng tâm giới (tư tưởng hoặc ý nghĩ) mà một thức phát sinh, thì gọi là tâm thức.

Tóm lại, ngũ uẩn là cái mà ta gọi là “linh hồn” hay “cá thể” hay “tôi.” Tất cả đều vô thường và hằng biến.

Ý nghĩa chân chính của Phật dạy là “Bất cứ cái gì vô thường đều là Dukkha. Ngũ uẩn trói buộc là khổ.”



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880