2. Mừng Lễ Khai Đạo

23 Tháng Mười 20181:42 CH(Xem: 1705)
2. Mừng Lễ Khai Đạo

2. Mừng Lễ Khai Đạo

Thứ Sáu 25-6-1999

Tất cả những điều mình biết đều có thể là ảo tưởng.

Sáng nay tôi đi bách bộ quanh khu xóm. Đây là lần đầu tiên tôi đi bách bộ nơi khu nhà mình ở. Khi đến công viên nhỏ ở góc đường gần nhà, tôi tự nhắc mình nhìn cây cỏ xanh mướt.

Công viên buổi sáng, thật sạch sẽ. Tôi bước những bước nhanh trên con đường ngoằn ngoèo lót xi măng, giữa các bãi cỏ xanh được cắt xén thật đều. Khung cảnh giản dị, chỉ có cây cỏ và nền trời xanh. Một ông cụ Mỹ cao nghệu lưng hơi đi lom khom cúi xuống lượm rác và đi tìm thùng rác bỏ vào.

Cây cỏ, thiên nhiên huyền nhiệm thay, đã đem tôi về gần với tôi hơn. Tôi tự nhủ tôi nên sống đời sống của tôi. Tôi mong rằng tôi không sống như một thiền sư. Tôi chỉ muốn mình thức tỉnh nhưng không muốn dùng sự thức tỉnh kềm chế con người tôi. Tôi phải để tôi sống đúng với vai trò và vị trí của mình, của một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thuần thành với đầy đủ bổn phận của mình đối với đạo, với mẹ, với gia đình chồng con, và người xung quanh.

Sáng thứ Sáu 23-7-1999

Sau khi cúng lạy, tôi ngồi tham thiền và đọc Bát Nhã Tâm Kinh. Trên bàn thờ nhang đèn còn nghi ngút sáng rỡ.

Bình hoa tươi màu tím đậm có in hình phụng vàng và hoa cúc hồng đặt cạnh di ảnh của ba chồng tôi. Hình ông còn trẻ độ năm mươi tuổi, mặc áo vét đen, áo sơ mi trắng và thắt nơ cánh bướm đen. Tóc ông cắt ngắn như lính. Mặt ông có nét của Tài, và kiểu tóc ông giống y như Thịnh Cường. Tôi hay rầy con sao đi làm việc, tiếp xúc với khách hàng mà cắt tóc cao như đi lính.

Đóa hoa hồng trong lọ thủy tinh đặt bên trái cạnh hình ba tôi. Ba tôi mặc áo dài đen, đầu đội khăn đóng đen. Tay ba khoanh lại, trên ngực nơi cài nút có gắn đóa hoa hôm đám cưới cô em tôi. Hình chụp nơi sân trước nhà tôi ở Mission Viejo. Trông ba hiền lành quá, khuôn mặt nghiêm nghị hơi thoáng nét vui dù ba không cười.

Đèn cầy trên bàn thờ còn lại độ một lóng tay. Ba cây nhang nơi lư hương còn lại một chút, nhưng không đều, cây cao cây thấp.

Nhìn lên cao trên bàn thờ Phật, tôi thấy nửa tấm trần đà. Hình bản đồ và ảnh Quán Thế Âm hiện trên biển Đông đặt phía bên mặt bàn thờ. Tôi nhìn thấy đầu và vai tượng Phật Tổ màu đen. Bên trái hình tượng Phật Bà Quán Thế Âm tôi thỉnh từ một cửa tiệm Tàu ở khu Mission Viejo, vì Bà đẹp quá với những đóa sen màu hồng nhạt và tòa sen màu xanh lá cây. Trước Bà là tượng Phật Thích Ca bằng gỗ nhỏ do cậu Trần Văn Tươi tặng tôi sau khi cậu đi hành hương Ấn Độ. Bên cạnh là tượng Phật Thích Ca bé xíu bằng đá do tôi thỉnh nơi Phật Đản Sanh ở Nepal năm 1997.

Tuần rồi tôi đưa Nguyên Phương đến Hội quán phỏng vấn bác Trần Kim Thiện con bác sĩ Trần Văn Tâm về những kỷ niệm của bác khi còn nhỏ được gặp Đức Thầy ở nhà thương Chợ Quán lúc Pháp buộc Đức Thầy ở đây để “chữa bệnh tâm thần.” Nhờ đó mà gia đình bác sĩ Tâm có được cơ duyên trở thành tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.

Sau đó tôi mời Phương đi ăn cơm chay. Nghe Phương kể nhiều giấc mơ huyền diệu từ khi còn ở Việt Nam và gần đây, cũng như nghe Phương nói muốn vào đạo, tôi đưa Phương về nhà tìm hiểu.

Phương hỏi tôi nếu vào đạo thì có phải bỏ những gì Phương đang thờ không? Tôi nói Đức Thầy đưa ra cách thờ phượng giản dị, nhưng không có cấm mình thờ tượng Phật, hoặc phải bỏ đi những tượng Phật mình đã thờ khi vào đạo. Trên bàn thờ tôi còn có một tượng Phật bằng đồng mạ vàng bé xíu do Simone, bạn tôi cho khi tôi từ giã Cao Miên theo cha mẹ về Việt Nam sống năm 1964, sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị đảo chánh. Tôi đã mang tượng Phật, ảnh Đức Thầy, và tấm trần dà đi bất cứ phương trời nào mà tôi sinh sống.

Qua lời kể của Nguyễn Duy Diễm, con bác Nguyễn Văn Hầu, tác giả nhiều sách về Phật Giáo Hòa Hảo, cho một đồng đạo nghe qua mẩu đối thoại có thu băng, thì kỳ lễ 60 năm kỷ niệm Ngày Khai Đạo Phật Giáo Hòa Hảo tại Thánh địa Hòa Hảo sau 24 năm bị cấm vừa rồi, Ban Tổ chức dự trù in 100 ngàn tấm ảnh Đức Thầy nhưng chỉ phát hành kịp có 30 ngàn. Huy Diễm nói vì lúc trước bị cấm, cho nên tín đồ họa hình Đức Thầy không giống. Bây giờ nhờ máy vi tính nên hình Đức Thầy in lại có màu đẹp và rõ lắm. Ngoài ra, ban tổ chức còn in một tập Kỷ yếu và 10 ngàn bản 8 điều răn cấm.

Huy Diễm nói tín đồ về dự lễ đông hơn trước kia, dù có thêm một con đường từ phía sau mộ Đức Ông lên đến chùa An Hòa Tự. Hôm làm Đại Lễ tín đồ đọc giảng ở Tổ Đình và chùa Thầy An Hòa tự đêm 17 tháng 5 âm lịch, và cũng có làm lễ cầu nguyện cho Quốc Thái Dân An.

Anh ấy cũng nói nói hôm lễ các “mạnh thường quân tự giác” đã chở gạo và thức ăn về nườm nượp. Mức tiêu thụ là 2.100 giạ gạo, tức 60 tấn, hai ba chục ngàn bánh bao, tổ chức nấu đậu hủ đã dùng đến 200 giạ đậu nành.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880