2. Cuộc sống sẽ đáng sống

13 Tháng Tư 201710:36 SA(Xem: 2058)
2. Cuộc sống sẽ đáng sống

2. Cuộc sống sẽ đáng sống

16-8-98 — 5:45 giờ sáng

Mỗi con người đều nên tìm cho mình một con đường và phải biết “dứt khoát” đi theo con đường đó, thì cuộc sống sẽ “đáng sống.”

Bây giờ tôi càng hiểu rõ hơn ý nghĩa của hai chữ “dứt khoát” của cá nhân mình. Cái dứt khoát của tôi là không còn nghĩ đến “giải thoát” nữa, mà phải làm việc và phục vụ tận lực hết khả năng mình, trước là phổ biến giáo lý trung đạo của P.G.H.H. để từ đó giúp những người may mắn biết hướng thiện. Tôi nghĩ, nếu người cộng sản biết được giáo lý này từ trước, có lẽ họ đã không đưa cả dân tộc vào nẻo khổ như hiện nay. Đó chẳng phải là điều mà các cán bộ cao cấp (về hưu) của cộng sản đã từng nói sao?

Vậy thì tôi phải cố sức làm việc hơn nữa. Tôi phải có đầy đủ sức khỏe mới duy trì được nghị lực và sáng suốt. Nếu tôi đã dứt khoát không còn nghĩ đến sự giải thoát, sự thành đạo cho cá nhân, mà chỉ muốn phục vụ cho tập thể, thì con đường tiến hóa của tôi từ đây phải khác...

17-8-98

Tôi thức dậy cả người đau buốt. Tại tôi hay tại thuốc. Chắc cả hai.

Tôi cảm thấy gần gũi với ba thật nhiều, vì lúc ba đau nặng vẫn tiếp tục làm Đuốc Từ Bi, tiếp khách và nói điện thoại với rất nhiều người, vì lúc đó ba vừa giúp cho chín đảng phái kết hợp với nhau. Tôi có nhiều bức hình rất vui, trong đó nhiều vị lãnh đạo tinh thần và đảng phái không nói chuyện, không nhìn mặt nhau mà ba đều mời họ đến ngồi cạnh bên nhau ở Hội quán P.G.H.H. Miền Nam California. Đó là những bức hình lịch sử. Nếu ba không mất, thì việc kết hợp đảng phái này chắc không “rã.” Ai cũng bảo, ba là “chất keo.”

Đêm qua, Cường, đứa con trai kế, giúp cho tinh thần tôi sảng khoái vô cùng, khi vào phòng tôi tâm tình thật lâu. Cường hỏi đủ thứ chuyện, từ ông ngoại, Đức Huỳnh Giáo Chủ, đến những việc tôi làm. Tôi nhắc với Cường chuyện hồi nó  năm tuổi, mỗi buổi tối tôi và ba chị em, Trang con gái nuôi, Thịnh và Cường, đều ngồi thiền. Cường thường ngồi êm ru, tôi cứ hay sợ Cường ngủ quên, nên có khi để gối kế bên sợ nó té xuống. Lúc Cường mở mắt ra, nó hay cười chọc quê là xí gạt được mẹ. Nó thường nói, “Mẹ ơi, con feel được energy.” Điện chạy trong người nó nơi hai ngón tay trỏ và ngón tay cái giao nhau đặt trên đầu gối.

19-8-98 — 3:36 giờ sáng

Tôi đau quá là đau, đau thắt cả tim gan, và các dây thần kinh quanh đầu căng thẳng nhức nhối. Nhưng tôi thèm viết quá. Giá không đau chắc đến cả trăm trang.

Mẹ và dì Trạng còn thương ông Clinton lắm. Mấy ông bà già người Việt cứ xem tổng thống gần giống như là “vua” một nước, có đủ thứ quyền. Hôm thứ hai 7:00 giờ tối, Tổng thống Bill Clinton nói chuyện trực tiếp cùng quốc dân Hoa kỳ. khoảng một phút, thú nhận tội lỗi “có liên hệ không chánh đáng” cùng cô Monica Lewinsky, và dối nhân dân vì muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình. Mặt mày ông bơ phờ, mắt có quầng đỏ hoe, coi bộ mệt mỏi, thiếu ngủ, hay là vì thú tội trước với vợ con, trước khi bị Đại Bồi thẩm đoàn điều tra chất vấn suốt bốn tiếng đồng hồ tại Tòa Bạch ốc.

Tối qua, gia đình Clinton đi nghỉ hè. TV chiếu cô con gái Chelsea đi giữa nắm tay ông Clinton và bà Hillary vợ ông đi hai bên. Bà Hillary đeo kính đen, không nhìn rõ mặt. TV phân tích từng chút, nào là bà không đi sát ông, không nắm tay như mọi khi, mà đi xa ra phía sau, làm bộ chào người này người kia. Còn ông thì đứng ở cửa phi cơ chờ bà vào sau chót, rồi vuốt lưng một cái. TV nói, “Ngày thứ hai là một ngày không đẹp đối với cuộc đời Hillary.”

21-8-98 — 2:15 giờ sáng

Tôi choàng tỉnh dậy trong cơn đau buốt. Tôi lần xuống nhà tìm thuốc uống và ăn chút gì cho bụng bớt hơi đỡ đau, tìm cuốn lịch để mang vào phòng ngủ.

Nhà tôi đầy hoa lan của người đến thăm bệnh tặng. Mẹ cho tôi một chậu lan màu trắng xanh cẩm thạch vươn lên cứng cáp, trong cái chậu có hình ba ông Phước Lộc Thọ để mang đến may mắn sức khỏe. Chậu lan cánh bướm trắng có nhụy màu tím và những đường gân tím nhạt chạy dài trên cánh của con gái nuôi Trang mang đến. Một vị sư quen với vợ chồng tôi cũng tặng tôi một chậu lan có bảy đóa hoa tím thật mạnh mẽ. Thầy chúc tôi chóng hết bệnh để tiếp tục làm Đuốc Từ Bi. Thầy là người cùng quê hương tỉnh An giang, chú của thầy đạo Phật giáo Hòa Hảo, nên mấy năm trước đây, thầy có mang quyển Cô bé làng Hòa Hảo về tặng ông. Thầy nói, người ta mượn chụp nhiều quá nên cuốn sách phình lên như ổ bánh mì.

Tôi ngồi viết trên ghế. Quyển tập kê trên bàn ủi đồ đặt cạnh giường mà tôi đã nhờ Tài hạ thấp xuống hôm mới về để tôi tiện ăn uống. Tôi giấu tập và sách báo nơi hộc tủ đầu giường cho Tài không thấy, nếu biết tôi viết, anh sẽ rầy rà lắm.

Cuốn lịch Tam Tông Miếu của tôi đã có tờ lịch xếp sẵn vào ngày rằm tháng 7, Lễ Vu Lan Bồn. Hôm nay, tôi lấy ra xem mới thấy mình đã làm dấu trước. Vậy mà Đức Địa Tạng Bồ Tát đã hiện đến nhắc nhở tôi vào sáng hôm qua.

 

Sáng hôm qua, lúc thức dậy, tôi nhớ rất rõ, tôi đã tạm trú trong một căn nhà thật lớn. Khi tôi bước vào căn phòng ngủ thì giật mình thấy trên vách có hình Đức Địa Tạng Bồ Tát cầm gậy và đội mão. Tôi thấy cả đèn, bát hương, nên vội gọi người trong nhà tiếp tay mang hết ra ngoài, đợi chủ nhà sắp xếp lại trên một bức vách có nhiều bàn thờ khác.

Nhà này sắp có một buổi tiệc lớn, dường như là đám cưới. Mẹ và các em tôi hối thúc tôi ăn mặc đẹp để kịp quay phim. Mọi người thất vọng, vì tôi thay quần áo mãi mà chưa xong, vì đang ở tạm nên không có đủ quần áo và giày cho phù hợp với nhau. Hễ mặc được cái áo này thì lại không có giày phù hợp. Rốt cuộc thì tôi mặc áo đầm mà đi chân không, nên không kịp ra quay phim dự tiệc. Trong đám tiệc có cả ba tôi. Ba thật tươi vui.

Sáng hôm qua, khi tôi kể chuyện là gặp Đức Địa Tạng Bồ Tát trong giấc mơ. Tôi nghĩ rằng, Ngài đến nhắc nhở tôi chữ Hiếu đối với cha mẹ, vì Lễ Vu Lan đã đến nơi. Má chồng tôi nghe tin tôi bệnh nặng nên cũng định trở qua Mỹ, lúc trước bà định về Việt Nam luôn.

Tôi đọc báo, lại thấy toàn tin không vui cho dân Việt Nam. Nào là hạn hán kéo dài khắp vùng Bình Trị Thiên và hầu như toàn miền Trung. Dân chúng không có nước uống. Cả triệu người sắp bị đói. Miền Nam thì bị nạn rầy nâu tràn ngập đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Cần thơ, Rạch giá, Sóc trăng. Có nơi lên đến 10.000 con trên 1 mét vuông. Đoạn đường từ Rạch sài đi Rạch giá có nơi như là một màn sương dày đặc. Các tỉnh miền Đông Nam thì bị nạn cào cào châu chấu, Tây ninh, Đồng nai, Vũng tàu. Long an bị còng cắn lúa, nghêu tràn ngập ven biển Trà vinh, Kiên giang, Bến tre, Cần thơ... Tất cả đều là ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.

29-8-98

Nếu đúng như nhật báo Viễn Đông của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang loan tin ngày hôm qua, thì bốn hôm nữa, tức thứ Tư 2-9-1998, Hà nội sẽ phóng thích tù nhân chánh trị quan trọng, trong đó có Hòa thượng Thích Quảng Độ, Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ, Thích Trí Siêu, bác sĩ Nguyễn Đan Quế và giáo sư Đoàn Viết Hoạt. Một nguồn tin được chờ đợi từ quá lâu.

Nắng bắt đầu lên cao làm sáng rực không gian trước mắt tôi. Các cây dừa cọ trồng theo vách tường ngăn khu nhà tôi và dãy nhà phía sau đã bắt đầu lên cao. Các lá dừa xanh mướt xòe rộng lung linh trong gió. Hai chậu bông trang đã nở rộ. Bình hoa cúc nhỏ trên bàn thờ thông thiên cũng tươi mát.

Buổi sáng lúc 7 giờ, trong khi chờ thu Chương trình Phát thanh P.G.H.H. trên đài Saigon Radio Hải Ngoại, tôi nghe một thính giả gọi vào đài báo tin, Lý Tống đã được thả, và đang ngồi trên máy bay, thứ hai sẽ về đến Mỹ.

Hôm qua, lúc tôi đang nằm đau nhức trông như con mèo ướt nơi phòng khách nhà mẹ, thì anh Đinh Quang Anh Thái, đài Á châu Tự do gọi phỏng vấn tôi, về cảm nghĩ khi nghe chánh quyền Hà nội sắp phóng thích bác sĩ Nguyễn Đan Quế và giáo sư Đoàn Viết Hoạt. Tôi bảo đang đau, đầu óc mù mờ, có biết gì đâu mà trả lời. Anh bảo, thì cứ bảo là tôi đang đau, nhưng tôi nghe vậy, thì có cảm tưởng gì.

Nửa giờ sau anh gọi lại. Tôi ngồi nơi bàn ăn, đầu óc tỉnh táo. Giọng nói tôi bỗng rõ ràng và có vẻ cương quyết:

“Mặc dù tôi mới qua một cuộc giải phẫu trong người còn rất yếu, nhưng khi nghe tin giáo sư Đoàn Viết Hoạt và bác sĩ Nguyễn Đan Quế sắp được ra khỏi tù, tôi hết sức vui mừng, tinh thần thấy phấn khởi một cách lạ lùng.

Tôi xin thành thật chia vui cùng gia đình của hai ông, và muốn nói lên lòng kính trọng sự hy sinh cũng như quả cảm của hai ông, đã vì muốn tranh đấu cho tự do dân chủ cho đất nước, mà phải chịu cực khổ bao năm dài trong tù, nhất là khi đau ốm không có thuốc men.

Tôi mong rằng trong tương lai sẽ có nhiều tù nhân lương tâm như quý ông sẽ lần lượt được trả tự do.

Nhân dịp này, tôi xin có lời cầu nguyện Ơn Trên phò hộ cho đất nước Việt Nam mau thay đổi, mau có những người lãnh đạo biết vì dân vì nước, đất nước Việt Nam mau thoát qua những khổ nạn để được tự do, hạnh phúc, phát triển, ngõ hầu theo kịp với trào lưu tiến hóa của nhân loại.

Tôi cũng cầu xin cho Việt Nam chúng ta sớm có một thể chế mới gồm có những người lãnh đạo thuộc nhiều thành phần khác nhau, đồng tâm hiệp lực xây dựng đắt nước, với tất cả sự cởi mở để những người dân Việt Nam ở hải ngoại có cơ hội trở về phục vụ quê hương dân tộc và nhất là đất nước Việt Nam Mới của chúng ta sẽ được tự do tôn giáo; cư sĩ cũng như tu sĩ đều được quyền hành đạo; tôn giáo tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh ngõ hầu hướng người dân đến Chân Thiện Mỹ, thoát khỏi sự hận thù, sa đọa, đau khổ của ngày hôm nay.”

Trong khi trả lời với đài, tôi nghe tiếng của mình vang lên thật rõ ràng bên tai. Tôi nhớ tôi đã nhấn mạnh từng chữ, nhất là những chữ như “những người lãnh đạo, tự do dân chủ, tự do tôn giáo, nước Việt Nam Mới, quyền hành đạo, Chân Thiện Mỹ, thoát khỏi hận thù vân vân...”

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, lúc tôi tập trung tinh thần để nói, tôi có cố gắng đưa tư tưởng mình đến người nghe, tôi thấy giọng tôi mạnh, rõ, và tôi không còn cảm thấy mình đau bệnh, yếu ớt gì cả, như trước đó khoảng nửa giờ...

30-8-98

Đã 7:20 giờ rồi, nắng lên yếu ớt vàng vọt. Bầu trời xanh xám đục, chứ không trong vắt với mấy cụm mây trắng mỏng như sáng hôm qua. Gió đứng một cách lạ lùng. Cây lá trong vườn im phăng phắc, có vẻ yếu đuối ủ rũ...

Nắng dần dần lên, màu sắc vạn vật thay đổi, rõ rệt từng nét. Sức sống như bừng lên, hứng khởi dưới ánh mặt trời.

“It is not a matter of going ahead, but of being able to go ALONE, of being able to be different,” lời của Nietzsche lại vang lên bên tai tôi. Điều quan trọng không phải là chỉ tiến tới, mà phải có khả năng để đi tới Một Mình, đơn độc, có khả năng làm khác.

Tôi đã bị bao tấn công, chỉ trích, thơ nặc danh, thơ luân lưu, thơ nhục mạ. Đó là những thử thách cho mức độ tín ngưỡng và sự nhiệt tâm của tôi đối với tôn giáo. Có tín ngưỡng, có nhiệt tâm, tôi sẽ vượt qua sự sợ hãi.

Thiền sư Chogyam Trungpa đã viết: “True fearlessness is not the reduction of fear; but going beyond fear.” Tôi tự hiểu lời người là Sự Không Sợ Hãi Thật Sự không phải là sự bớt sợ hãi, mà là vượt lên trên sợ hãi. Người còn nói, khi chúng ta cảm thấy bình an để trở nên một người dịu dàng, phong nhã, lịch sự, thì sừng nai của ta không còn những sợi lông nhỏ mọc trên đó nữa, mà nó trở thành “những cái sừng nai thật.”


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880