- Lời giới thiệu của Giáo Sư Phạm Công Thiện
- Con Đường Văn Hóa - Nguyễn Huỳnh Mai
- CHƯƠNG I - TÌNH NGƯỜI
- CHƯƠNG II - TRÍ VÀ TÂM
- CHƯƠNG III - HÃY GIẢI THOÁT CON NGƯỜI RA KHỎI SỰ NÔ LỆ CỦA CHÍNH MÌNH
- CHƯƠNG IV - ĐỜI VÀ ĐẠO LÀ MỘT
- CHƯƠNG V: TU NHÂN HỌC PHẬT
- CHƯƠNG VI - HỒN THIÊNG DÂN TỘC
- CHƯƠNG VII - TIẾNG NÓI TỪ TRÁI TIM
Tiến Trình Học Hỏi Để Phát Triển Tâm Linh Gồm Hai Giai Đoạn:
- Giai Đoạn Thụ Động hay Bị Động và Giai Đoạn Chủ Động
* Giai đoạn đầu ta chưa biết nên ta thường lấy những điều ta học hỏi qua các xúc giác và cảm giác, qua các sự học hỏi của gia đình, xã hội, quốc gia cũng như các tập tục của các dân tộc khác. Tất cả sự hiểu biết đó bao gồm lại thành một bộ máy tinh vi để điều khiển ta. Ta có sự hiểu biết sâu rộng nhưng hạn hẹp đối với cái BIẾT trong càn khôn vũ trụ. Sự hiểu biết trong vũ trụ nằm trong sự biến thiên vô cùng vô tận mà con người khó có thể bắt kịp nếu còn nằm trong sự gò bó hạn hẹp của trí đời.
Khi còn gò bó trong sự hạn hẹp của trí đời ta là người thụ động chỉ biết tuân hành theo sự thu thập của trí đời. Lúc đó ta chỉ là bộ máy biết cử động - ta là loài người bị động. Cuộc đời ta bị chi phối bởi ngoại cảnh và tâm thức không chủ động được mắt tai mũi lưỡi thân ý, mà bị mắt tai mũi lưỡi thân ý điều khiển ta.
* Khi ta không còn để bản thân và các giác quan làm chủ, thì ta bước qua giai đoạn chủ động. Ta chi phối con người và ngoại cảnh. Ta biết chắc mọi việc ta làm và tự phán quyết về mỗi việc làm của mình.
Muốn chủ động đời sống thần thức của ta phải mạnh mẽ, giác quan và cảm giác phải báo động luôn luôn, tỉnh thức, nhạy bén luôn luôn để báo động mọi việc đến trong tương lai để ta biết được những gì sắp xảy ra ngỏ hầu ta chuyển hướng đi cho đúng đường.
Giai đoạn này ta luôn luôn tiến bước trong ánh sáng không còn u tối, mập mờ hay lựa chọn. Sự nhạy bén của thần thức giúp cho ta lèo lái con đường theo sự biến chuyển giữa con người và sự biến chuyển của vũ trụ, của thiên cơ thay đổi mỗi giờ mỗi khắc.
Bước vào con đường chủ động ta luôn luôn có sự bình an tự tại. Sự sợ hãi đã xa rời ta và niềm tin của ta sẽ đi đến mức độ toàn bích, không xoay chuyển, không thắc mắc chỉ có nhận (qua tâm thức sắc bén) và hành.
Ta không còn bị gò bó giữa hỏi và đáp. Không còn từ điểm này đến điểm kia mà phải có sự hội nhập giữa trên và dưới, trong và ngoài. Và không còn người hỏi và người đáp mà chỉ có sự quy tụ hợp nhất, kẻ hỏi cũng là kẻ trả lời. Kẻ hỏi cũng là kẻ tiếp nhận ân điển để hóa giải mọi thắc mắc.
Khi Vượt Qua Các Giai Đoạn Của Tiến TrìnhHọc Hỏi Để Phát Triển Tâm Linh, Ta Phải Làm Gì?
Khi có ý định học hỏi để phát triển tâm linh ta đã chọn sẵn cho ta một con đường mà ta muốn đeo đuổi.
Con đường đó là con đường gì?
- Đó là con đường phục vụ tha nhân không mưu cầu danh lợi cho cá nhân mình hay gia đình mình.
Trong giai đoạn học hỏi ta đã biết tất cả những khó khăn mà ta phải gặp trên con đường phục vụ lý tưởng của mình. Khi học hỏi ta đã phải trau giồi ý chí, kiên nhẫn, tự nhận thấy tham vọng của mình. Tâm linh càng phát triển ta càng nhìn rõ ta nhiều hơn.
Tự biết mình, sửa mình không có nghĩa là tạo cho mình trở thành con người toàn bích mà để biết mình với tất cả những bản tính rất là người. Biết rõ mình không có nghĩa là để đi đến thất vọng về mình mà để chấp nhận mình và hướng dẫn, lèo lái mình như thế nào để mình không còn bước vào những đau khổ của đời sống mà để thực hiện những gì mà mình đã định hướng.
Sau Tiến Trình Để Phát Triển Tâm Linh Ta Có Trở Nên Một Người Mới Không?
- Có và không.
Không là ta vẫn hoàn toàn là con người với tất cả những bản tính rất là người. Vì muốn biết thương ta phải biết ghét, có biết buồn ta mới biết vui, bị đau khổ thì mới cảm nhận được sự đau khổ của người khác. Tịnh tâm, an nhiên tự tại không có nghĩa là ta trơ trơ như gỗ đá mà an nhiên tự tại là ta biết rõ ta hơn. Ta biết rõ vui buồn hờn giận ghét thương. Ta biết cảm xúc ta lúc mãnh liệt, lúc êm dịu, nhẹ nhàng. Nhưng những cảm xúc, cảm nhận đó không đưa đẩy ta hành động mù quáng, bốc đồng, thiếu suy nghĩ. Có an nhiên tự tại ta mới hiểu rõ, nhìn rõ để lấy quyết định như thế nào để nhịp nhàng giữa ta và người quanh ta để tránh làm xáo trộn đời sống.
Ta luôn luôn nhận biết và cảm ơn những người quanh ta và hoàn cảnh sống vì ta không thể học hỏi, không thể phát triển tâm linh nếu không có chất xúc tác, không rơi vào những cảnh ngộ khó khăn mâu thuẩn để mình đảo điên và giác ngộ.
Muốn trui rèn ý chí ta phải đối đầu với những khó khăn. Khi ta e ngại những khó khăn để không bước vào con đường thực hiện lý tưởng phục vụ của ta thì ta hãy tiếp tục trui rèn nó, hun đúc nó để tiếp tục cuộc hành trình.
Ý chí là chặng đường khó khăn nhất mà ta phải vượt qua để thực hiện con đường mà ta đã chọn lựa và đeo đuổi.
Muốn biết nóng ta phải sờ vào vật nóng, muốn biết lạnh ta phải bước vào nơi lạnh. Nếu muốn biết ý chí mà mình trui rèn đã phát triển đến đâu, ta phải thực hiện những điều gì cần đến ý chí.
Ý chí mà ta cho là đã có sẽ mãi mãi chỉ là ảo tưởng nếu nó không được thử thách bởi một hoàn cảnh thật sự. Nếu ý chí là một ảo ảnh thì sự định hướng, lý tưởng phục vụ chỉ là một bức tranh ta vẽ ra để nhìn ngắm, xoa dịu kiếp sống của một con người không lối thoát.
.