112- MẸ LÀ QUÊ HƯƠNG

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 78846)
112- MẸ LÀ QUÊ HƯƠNG

Trong đời tôi không có nỗi lo sợ nào cho bằng lo sợ mất mẹ, tôi còn nhớ lúc 11, 12 tuổi tôi phải sống xa ba mẹ vì lúc đó ba mẹ tôi phải sống lưu vong tại Cao Miên còn tôi thì phải sống ở Việt Nam vì ba mẹ muốn tôi học chữ Việt.

Mỗi đêm trước khi đi ngủ tôi thường hay nghĩ đến mẹ và hay tưởng tượng lúc mẹ mất. Nước mắt tôi tràn ra và tôi nhất quyết nếu mẹ chết tôi sẽ chết theo, tôi sẽ nhảy vào mồ để được chôn chung với mẹ. Bây giờ đã lớn tuổi rồi, tôi có hai đứa con trên mười tuổi. Tình thương mẹ vẫn rạt rào sâu đậm, và tôi thường tự hỏi nếu mẹ mất tôi phải làm sao, chắc là không chết theo được vì tôi cũng có con và thương yêu chúng như mẹ tôi thương tôi vậy. Mỗi khi nhìn tóc mẹ càng ngày càng bạc nhiều hơn, da mẹ nhăn hơn, tim tôi đau thắt. Những giờ phút bên cạnh mẹ đối với tôi giờ đây quý giá vô cùng. Mấy mươi năm qua tôi đã đánh mất thì giờ quý giá bênh cạnh mẹ quá nhiều. Tôi hay khắc khẩu với mẹ nên hay cãi mẹ lắm. Sở thích của tôi và mẹ khác nhau và đôi khi sự suy nghĩ cũng khác nhau. Ngày nay tôi chấp nhận hết những gì mẹ thích và những gì mẹ nghĩ.

Tôi nghĩ rằng nếu điều gì làm cho mẹ buồn, mẹ giận có thể khiến mẹ đau và như vậy mẹ sẽ giảm tuổi thọ.

Những giây phút gần bên mẹ đối với tôi hiện nay là những giây phút thiền quán. Tôi luôn luôn theo dõi tôi để biết rằng những lời nói, hành động, cử chỉ của tôi không làm buồn lòng mẹ để không còn có sự bào chữa rằng tôi đã vô tình làm cho mẹ buồn như nhiều năm qua nữa.

Mẹ là sự hiện diện của cả một quá khứ Việt Nam đau thương, của cả những kỷ niệm bình yên, đẹp đẽ của quê hương tôi. Mẹ và tôi cả hai thế hệ đều sống trong chiến tranh Việt Nam. Tôi không quên được những lũy tre già, buồng cau, vươn trầu, những buổi tối quanh quẩn dưới cây trứng cá. Những buổi sáng con bé nhìn ánh bình minh trên sông Hậu, ánh nước lóng lánh, những chiếc ghe, xuồng ngược xuôi, những người dân quê mộc mạc trong chiếc áo đen tay vịn chiếc nón lá, miệng nở nụ cười hiền hòa. Tôi nhớ mãi những buổi trưa ôm thân cây chuối lội bì bõm dưới sông hay ngồi trên sạp tre, ăn bắp rang, nhìn con heo nái mập bự đang cho đàn heo con bú.

Chúng ta được sanh sản và lớn lên bởi bầu sữa mẹ Việt Nam. Chúng ta được nuôi dưỡng bởi những ngọn rau, những dòng sông ngọt ngào của đất nước Việt Nam. Sự hiện diện của ta nơi nào là đất nước Việt Nam ở nơi đó. Có ai thương yêu mẹ mà không thương quê hương của mình vì mẹ là mảnh đất đã mang lại sự hiện diện của ta trên mặt đất này. Nếu chúng ta quên cội, quên nguồn bỏ quê hương mình thì tiếc thay cho sự hy sinh, đau đớn, banh da xẻ thịt của mẹ để có ta.

Tôi biết một ngày nào đó mẹ tôi sẽ mất nhưng sự hiện diện của mẹ vẫn còn mãi mãi. Đó là sự hiện hữu của đất nước Việt Nam. Tôi sẽ noi gương mẹ để cho đất nước tôi mãi mãi được tồn tại, lớn mạnh bằng cách truyền đạt tình yêu thương của một người mẹ, của quê hương Việt Nam cho hai con tôi. Chúng sẽ không cảm nhận được tình yêu quê hương nếu chúng chưa cảm nhận được tình yêu của mẹ chúng. Chúng không rung động được khi nghe những bài hát, lời nói bằng tiếng Việt Nam nếu chúng không nói, không hiểu và không đọc được ngôn ngữ Việt Nam. Sự không nói, không nghe, không đọc được ngôn ngữ Việt Nam khiến cho chúng có mặc cảm và từ mặc cảm đó chúng tách rời cộng đồng Việt Nam.

Chúng ta, các thế hệ trưởng thành đã được nuôi dưỡng, sanh thành từ mảnh đất mẹ có bổn phận thiêng liêng vun bồi các mảnh đất mới, bé bỏng, lẻ loi để cho mảnh đất chúng ta càng ngày càng lớn mạnh. Biên giới chúng ta không còn vỏn vẹn hình chữ S mà biên giới của Việt Nam sẽ ở khắp hoàn cầu.

NGUYỄN HUỲNH MAI.

Mùa Vu Lan 1989

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880