32- NGUỒN SỐNG CỦA DÂN TỘC

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 71014)
32- NGUỒN SỐNG CỦA DÂN TỘC

Khi viết hay khi nói ta nên đem hết sự chân thật của mình để chia sẻ những gì mình thấy, mình biết cho người nghe, người đọc. Ta nên tránh "muốn" người khác phải nghe mình, chấp nhận mình hay phục mình. Ta cũng đừng "sợ" người khác sẽ chống mình, ghét mình, hay không chấp nhận tư tưởng của mình.

Phải xem mình cũng bình thường như mọi người. Không phải ta viết ta nói là ta biết hơn mọi người mà phải hiểu rằng có rất nhiều người biết mà không nói, không viết. Khi người ta chấp nhận là vì người ta có đồng tư tưởng với mình. Khi người ta không chấp nhận chỉ vì người ta có tư tưởng khác mình mà tư tưởng khác với mình không có nghĩa là tư tưởng sai.

Có rất nhiều lý do khiến cho con người có tư tưởng khác nhau hay quan niệm khác nhau. Sự khác biệt nhau đó có thể bắt nguồn từ căn bản gia đình, tôn giáo, đất nước, hay hoàn cảnh sống.

Người Việt Nam sở dĩ phân hóa vì có quá nhiều nguyên do đưa đến sự khác biệt. Nên vì vậy mà sự xây dựng cộng đồng gặp quá nhiều khó khăn.

Một trong những nguyên nhân khiến cho người Việt Nam chia rẽ là chính sách chia để trị của người Pháp khi họ phân nước ta ra Nam Trung Bắc. Và người dân của ba miền này cho đến ngày hôm nay vẫn còn mang nặng thành kiến với nhau! Sau đó lại thêm kẻ thì theo chế độ này người thì theo chế độ kia, kẻ thì phục vụ trong quân ngũ, người thì chỉ biết hưởng thụ tại hậu phương. Gần đây nhất tại Việt Nam thì sự thù hận nhau giữa những từng lớp, giai cấp mới do chế độ hiện tại gây ra. Rồi giữa các gia đình có thân nhân xuất ngoại, kẻ thì không ai giúp đỡ chạy cơm từng bữa, nay ngủ vỉa hè này, mai vùng kinh tế nọ, người thì tiền bạc dư dả. Tại các cộng đồng hải ngoại thì các mặc cảm giữa đồng hương càng ngày càng gia tăng. Kẻ qua 75 người qua 85. Kẻ có học thức thì dễ hội nhập xã hội mới, người thì đã kém may mắn tại Việt Nam nay lại gặp khó khăn trong việc mưu sinh vì kém chuyên môn hay sinh ngữ. Người thì làm việc cực khổ trả thuế nặng nề kẻ thì tìm mọi cách để gian lận không nghĩ gì đến những người đến sau từ các trại tị nạn cần sự giúp đỡ hơn mình v.v...

Đó là chỉ vài nguyên nhân đưa đến sự ghanh tị, ghét bỏ lẫn nhau, chưa kể đến khía cạnh chính trị hay tôn giáo.

Vậy làm sao chúng ta hàn gắn những phân hóa đó?

Muốn hàn gắn những phân hóa đó chúng ta phải có một tinh thần dân tộc cực mạnh, một tinh thần yêu nước cực mạnh. Vì khi có tinh thần yêu nước cực mạnh chúng ta mới đặt nó quan trọng trên hết mọi dị biệt cá nhân, mọi dị biệt của đoàn thể, và mọi dị biệt tôn giáo. Phải nhìn thấy nguồn sống chính của chúng ta là nguồn sống dân tộc. Khi nhìn rõ thấy nguồn sống chính của chúng ta là nguồn sống dân tộc Việt Nam ta mới bắt đầu nắm tay nhau để xây dựng lại căn nhà dân tộc, là mái ấm gia đình của các con Rồng cháu Tiên và chúng ta sẽ không xấu hổ với Tổ Tiên chúng ta.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880